Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế tập thể khu vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng

19:36, 23/03/2013

Là một tỉnh nông nghiệp, phần lớn nông dân ở Dal Lak làm ăn nhỏ, tư liệu sản xuất manh mún, thiếu vốn, nguồn nhân lực trình độ thấp. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, điều kiện để kinh tế tập thể phát triển. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế tập thể được đánh giá còn nhiều yếu kém, hằng năm chỉ mới đóng góp cho GDP khoảng 12%, khá thấp so với tiềm năng. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG KHANG, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh về vấn đề này.


 

* Ông đánh giá thế nào về vai trò của kinh tế tập thể ở tỉnh ta hiện nay?

-Dak Lak hiện có 324 HTX đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, vận tải, xây dựng, thương mại…thu hút khoảng 65.000 xã viên, giải quyết việc làm cho trên 11.000 lao động. Các HTX đã góp phần tạo thêm nhiều ngành nghề mới, đa dạng ở nông thôn, phát huy được tinh thần tương trợ trong cộng đồng dân cư và sự đoàn kết, gắn bó giữa các xã viên, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hằng năm kinh tế hợp tác đã đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 12% (trực tiếp từ kinh tế tập thể  và gián tiếp thông qua kinh tế hộ xã viên). Chiếm 46% tổng số HTX trong tỉnh, các HTX nông nghiệp thu hút khoảng 13.000 xã viên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, là chỗ dựa vững chắc cho xã viên và hộ dân tại các vùng nông thôn. Gần đây, nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ và sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã viên và hộ nông dân. Một số HTX nông nghiệp đã giúp hộ xã viên tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.

* Trong khi nhiều địa phương thành công với mô hình kinh tế hợp tác, thì tại tỉnh ta, mặc  dù là một tỉnh nông nghiệp nhưng vai trò của các HTX nông nghiệp chưa thật sự rõ nét?

-Mặc dù là lĩnh vực có số lượng HTX lớn nhất (150 HTX) và có ảnh hưởng sâu rộng đối với nông dân, nhưng tỷ lệ HTX nông nghiệp xếp loại khá, giỏi đạt thấp so với các lĩnh vực khác (khoảng 21% khá giỏi, 50% trung bình, 29% yếu). Hiệu quả hoạt động kinh tế chưa cao, số HTX làm ăn có lãi ở mức thấp và không ổn định, nguyên nhân là do năng lực quản lý, điều hành của Ban quản trị hạn chế, thiếu vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu. Theo thống kê mới nhất của Liên minh HTX tỉnh, khoảng 80% số HTX không có trụ sở làm việc hoặc phải đi mượn nhà của xã viên làm trụ sở; vốn góp của xã viên vào HTX thấp, nhiều HTX, xã viên chỉ đóng góp mang tính tượng trưng 500.000-1.000.000 đồng/xã viên. Điểm yếu của các HTX nông nghiệp hiện nay là chưa huy động được nguồn lực của xã viên tham gia các hoạt động dịch vụ, nên hoạt động này khá đơn điệu, nhất là chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy là những đơn vị kinh tế nhưng hầu như các HTX chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay của ngân hàng, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, thiếu bền vững.

* Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thưa ông?

-Thẳng thắn nhìn nhận rằng những tồn tại trên trước hết do bản thân HTX chưa khắc phục được các yếu kém nội tại như nguồn nhân lực trình độ thấp (cán bộ HTX có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 12,1%, sơ cấp và trung cấp chiếm 24,51%), thiếu vốn, thiếu định hướng và chưa có kế hoạch phát triển phù hợp. Vì vậy các HTX cần phải phát huy nội lực, vận động thêm xã viên tham gia HTX, góp thêm vốn, tổ chức liên doanh, liên kết với các HTX khác; kiện toàn và nâng cao năng lực của cán bộ quản lý HTX; xây dựng lại điều lệ theo quy định mới, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, rõ ràng và phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nhận thức đầy đủ bản chất, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể để có sự quan tâm, tăng cường công tác quản lý; đồng thời tạo điều kiện để HTX tiếp cận với các chính sách ưu đãi như đào tạo cán bộ, thuế, đất đai, khoa học công nghệ, tín dụng…để các chính sách thực sự đến với HTX, cải thiện hình ảnh của HTX, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Các ngành chức năng (thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới) cần phối hợp rà soát, đánh giá các xã được công nhận đạt tiêu chí số 13 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để tìm ra những mô hình hoạt động thật sự có hiệu quả để nhân rộng.

* Cảm ơn ông!

Nguyên Hoa (thực hiện) 


Ý kiến bạn đọc