Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động công đoàn phải gắn với thực tiễn...

10:48, 19/03/2013

Nhân  Đại hội IX Công đoàn Dak Lak, Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với đồng chí Y Khút Niê, Tỉnh ủy viên, UV BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.

 

* Xin đồng chí cho biết những kết quả quan trọng trong hoạt động Công đoàn Dak Lak nhiệm kỳ 2008 – 2013?

 Đại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam đã thông qua Điều lệ tiếp tục khẳng định chức năng của Công đoàn Việt Nam: "Đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Trong đó, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ được đặt lên hàng đầu, trọng tâm là: Chế độ tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ đặc thù khác theo quy định của pháp luật. Trong nhiệm kỳ VIII, BCH LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức lấy ý kiến của CNVC, LĐ tham gia đóng góp xây dựng Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi đạt được những kết quả tích cực,  phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động một cách thường xuyên. Qua đó, kiến nghị xử lý những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm, can thiệp bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người lao động kịp thời. Hằng năm, các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động với số lượng ngày càng tăng, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, Công đoàn đại diện người lao động chủ động thương lượng với người sử dụng lao động ký thỏa ước lao động tập thể nhiều điều có lợi hơn cho người lao động, xây dựng quy chế làm việc, tham gia phương án sản xuất kinh doanh, chương trình công tác của cơ quan, đơn vị có chất lượng, đã góp phần phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của CNVCLĐ trong xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước tỷ lệ các đơn vị ký thỏa ước lao động thể đạt còn thấp.

Các hoạt động xã hội được các cấp công đoàn triển khai thực hiện khá đồng bộ, rõ nét và hiệu quả. Một số nội dung quan trọng vượt chỉ tiêu Đại hội VIII đề ra như Quỹ Đoàn kết tương trợ vượt 47%, “Nhà mái ấm công đoàn” vượt 108%. Hoạt động hiến máu tình nguyện được các đơn vị quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của CNVCLĐ đạt kết quả cao hơn so với nhiệm kỳ VII. Ngoài ra, có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác được Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo, các cấp Công đoàn quan tâm hưởng ứng như ủng hộ  ”Quỹ vì người nghèo”, quỹ ”Tấm lưới nghĩa tình vì Ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa”, thăm hỏi, giúp đỡ CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, con CNLĐ chăm ngoan, hiếu học, cán bộ công đoàn là hưu trí...đã thể hiện rõ tổ chức công đoàn thực sự là tổ ấm, tạo cho CNVCLĐ yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ phân công. Đoàn viên, CNVCLĐ luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện các cuộc vận động xã hội, nhân đạo, từ thiện do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động hàng năm.

Trong công tác tuyên truyền giáo dục, điểm nổi bật so với nhiệm kỳ VII là hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật được tổ chức thường xuyên, nội dung kiến thức pháp luật được cập nhật kịp thời, trong đó đối tượng CNLĐ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã được chú trọng. Hoạt động “Tháng Công nhân”  hằng năm đã tạo bước phát triển trong việc đổi mới hình thức tập hợp đoàn viên và người lao động, tạo sự gắn bó với tổ chức công đoàn. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa được các cấp công đoàn phối hợp phát động, triển khai kịp thời. Hằng năm, đã có trên 90% hộ gia đình CNVCLĐ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tăng 26,2% so với đầu nhiệm kỳ. Phong trào văn hóa thể thao trong CNVCLĐ phát triển rộng khắp cả về số lượng lẫn quy mô tổ chức.

Công tác xây dựng tổ chức được tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả, điểm nhấn là thực hiện “Chương trình phát triển 1,5 triệu đoàn viên” của Tổng Liên đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong nhiệm kỳ qua, đã thành lập mới được 326 CĐCS, vượt 30,4%; phát triển 16.337 đoàn viên, vượt 63,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Công đoàn tỉnh đề ra.

*Thưa đồng chí, trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, các cấp công đoàn phải làm thế nào để đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vững mạnh?

Trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và những thành tích đã đạt được, các cấp công đoàn trong tỉnh hướng tới mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn; vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh Dak Lak”, cụ thể tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Chủ động tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ; phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đại hội CNVC, hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động; hướng dẫn giúp đỡ công nhân, lao động giao kết hợp đồng lao động; đại diện tập thể người lao động đối thoại, thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với các cơ quan tổ chức thực hiện các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp... Đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ là chức năng được đặt lên hàng đầu và được xác định là chức năng, nhiệm vụ trung tâm của tổ chức Công đoàn.

- Tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; nhận thức đúng đắn về những cơ hội, khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay; qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác. Cần nắm vững diễn biến tư tưởng của CNVCLĐ, tình hình việc làm, thu nhập, đặc biệt đối với CNLĐ tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, qua đó đề xuất với lãnh đạo tỉnh những biện pháp khắc phục, góp phần ổn định xã hội.

- Phát động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động theo đặc điểm của từng loại hình cơ sở, từng địa phương, đơn vị, trọng tâm là phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào “Xanh, Sạch, Đẹp, đảm bảo An toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”...  Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt nhằm tạo động lực cho các phong trào thi đua phát triển.

- Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và đội ngũ cán bộ Công đoàn. Tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhằm hợp đông đảo CNVCLĐ gia nhập tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức, thực hiện Chương trình phát triển 1,5 triệu đoàn viên giai đoạn 2008 – 2013 theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn. Đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ thông qua các hình thức hoạt động, tập hợp sinh động, hiệu quả.

LĐLĐ tỉnh cần có giải pháp cụ thể để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

-Xin cảm ơn đồng chí!

P.V


Ý kiến bạn đọc