Multimedia Đọc Báo in

Thuốc lá – "sát thủ" thầm lặng đối với con người

10:59, 10/11/2017

Thuốc lá từ lâu đã được coi là “sát thủ” thầm lặng đối với cả người hút thuốc trực tiếp và gián tiếp. Tiếp xúc với khói thuốc càng nhiều, càng lâu thì những tác hại đến sức khỏe con người càng trầm trọng.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác (ung thư vòm họng, ung thư da, loãng xương, ung thư thanh quản, phế quản, đục nhãn mắt, loét dạ dày, liệt dương, giảm khả năng sinh sản…) do khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hoá học, trong đó có nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nhựa thuốc lá, benzen, carbon monoxide...

Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá cũng có chất phóng xạ, các chuyên gia ước tính hút một điếu thuốc bằng một lần đi chụp X-quang. Vì thế, hút thuốc lá càng nhiều thì tích càng nhiều phóng xạ, làm tăng nguy cơ ung thư. Họng, hầu, thực quản, máu, dạ dày, tụy, thận, niệu quản, bàng quang, tử cung, trực tràng… đều bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại trong thuốc lá. Bằng nhiều nghiên cứu theo dõi hàng triệu người trong hàng chục năm, WHO chỉ ra thuốc lá gây 11 loại bệnh ung thư khác nhau; nhiều nhất là phổi, khí quản, phế quản…; 75-95% trường hợp ung thư phổi, phế quản là do thuốc lá. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá.

Theo WHO, tỷ lệ mắc ung thư phổi trên toàn cầu tăng khá nhanh trong 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư khác. Tỷ lệ này cho thấy sự liên quan mật thiết giữa ung thư với số người hút thuốc tăng lên. Khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm. Tại Việt Nam, ung thư phổi là ung thư hàng đầu ở nam giới, với hơn 17.000 ca tử vong mỗi năm. Ngoài ung thư thì tim mạch, hô hấp và sức khỏe sinh sản, sinh dục là 4 nhóm chính về các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ngoài ra còn rất nhiều bệnh khác như sâu răng, đen răng, vết nhăn tăng, loãng xương…

Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân tử vong cao, thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV. WHO ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người.

Người hút thuốc lá không chỉ tự mua bệnh vào người mà còn làm hại cả người xung quanh, nhất là trẻ em. Chất độc từ đầu điếu thuốc đang cháy thải ra môi trường cao hơn rất nhiều so với khói người hút hít vào thở ra. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết vì hít khói thuốc thụ động. Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26 % so với người không hít phải khói thuốc lá. Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở cả nam và nữ. Khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến tài chính. Mỗi ngày một người hút một bao thuốc lá mất khoảng 18.000 đồng, một năm tiêu 6-7 triệu đồng, một đời tốn khoảng 400-500 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình gần đủ để mua một chiếc ôtô. Thuế thấp, giá thuốc rẻ, quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá bị nhiều người bán phớt lờ khiến tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam giảm không đáng kể.

Thực tế cho thấy việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta còn chưa thật sự nghiêm túc, hơn nữa tác hại của khói thuốc đến mọi người diễn ra một cách từ từ nên mọi người khá chủ quan, chưa thật sự quan tâm. Người ta cũng tính toán rằng nếu bỏ thuốc lá trước 50 tuổi sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc lá được một năm, giảm 50% nguy cơ mắc ung thư phổi. Rõ ràng, những người đang hút thuốc lá nếu bỏ hẳn sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ về tiền bạc mà quan trọng là bảo đảm sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

Liên Chi – Hải Như


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.