Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam (16-2-1995 - 16-2-2020)

Những dấu mốc đổi mới lĩnh vực Bảo hiểm xã hội vì an sinh xã hội

09:34, 23/01/2020

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị đã khẳng định và nâng tầm chính sách BHXH, BHYT trở thành những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã chỉ rõ: “Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN), trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống. Tăng tỉ lệ người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm. Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ BHXH... Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật BHXH, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ chế độ quy định đối với mọi đối tượng”.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 nêu rõ nhiệm vụ “Nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng, BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ BHXH để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ BHXH. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BHTN”.

Cán bộ phòng sổ, thẻ, BHXH tỉnh rà soát thông tin trước khi cấp sổ BHXH cho người lao động
Cán bộ Phòng Sổ, thẻ - BHXH tỉnh rà soát thông tin trước khi cấp sổ BHXH cho người lao động

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, 03 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW – 02 Chỉ thị quan trọng của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các Ban Đảng Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020, trong đó nêu rõ quan điểm:

(1) BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội;

(2) Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT;

(3) BHXH, BHYT phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH, BHYT;

(4) Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu là “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện… Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN…”

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định và nâng tầm chính sách BHXH, BHYT trở thành những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Đại lý thu BHXH, BHYT tư vấn cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Đại lý thu BHXH, BHYT tư vấn cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Với mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH cũng như cơ chế tổ chức thực hiện BHXH phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những thách thức trong dịch chuyển lao động, thay đổi cơ cấu ngành – nghề, mối quan hệ lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với chính sách BHXH. Nghị quyết 28-NQ/TW đã kịp thời đưa ra những định hướng tháo gỡ những hạn chế và có thể được coi như là “luồng gió mới” bởi dấu ấn này đã khẳng định một bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.

Như vậy, từ khi nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho đến nay, Đảng ta luôn luôn nhận thức nhất quán: "Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế” và "Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong quá trình phát triển”. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về BHXH, BHYT ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở định hướng cho quá trình phát triển hệ thống an sinh xã hội và các chính sách xã hội ở nước ta. Mỗi bước phát triển của hệ thống BHXH, BHYT cũng như các chính sách xã hội là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa và là minh chứng cho các quan điểm đúng đắn của Đảng về vấn đề này. Những thành tựu hoàn thiện chính sách, pháp luật và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT có đóng góp hết sức to lớn của toàn Ngành BHXH, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kim Oanh  (tổng hợp) 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.