Multimedia Đọc Báo in

Những phận đời lam lũ

11:01, 29/11/2015

Giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống, nhiều người dân nghèo phải vất vả mưu sinh để chăm lo cho gia đình với ước mong về một tương lai tươi sáng.

Chúng tôi gặp bà H’Long (buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk) trong một chuyến đi làm từ thiện. Trong cái lạnh của những ngày cuối năm, khi nghe tin gia đình mình nằm trong danh sách được nhận quà tặng, bà H’Long đã đến UBND xã từ sáng sớm. Dẫu biết gia đình bà là một hộ nghèo, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi nhói lòng khi nghe kể về cuộc sống của cả nhà gồm 10 miệng ăn hằng ngày đều trông chờ vào công việc đi nhặt phân bò, phân trâu để bán. Bà H’Long kể, chồng thường xuyên đau ốm, các con đều đang tuổi ăn học nhưng nhà lại chỉ có 1 sào ruộng trồng lúa nên gánh nặng đặt lên vai bà. Sáng sớm, bà cùng những người dân khác trong buôn mang theo mấy cái bao tải loại lớn để ra các cánh đồng trồng lúa, trồng ngô nhặt phân bò, phân trâu đem đi bán kiếm tiền chi tiêu trong gia đình; những lúc rảnh rỗi không phải học bài, các con cũng theo phụ giúp mẹ đi làm để kiếm thêm thu nhập. Do nhiều người đi nhặt phân bò nên cả ngày vất vả từ sáng sớm đến khi chiều tối, hôm nào may mắn nhặt được nhiều đem bán cũng được gần 50 nghìn đồng, hôm nào ít được khoảng 20 nghìn đồng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Do đó, khi đến vụ mùa, ai thuê gặt lúa, bẻ ngô, hái cà phê bà đều đi làm để trang trải chi phí học tập cho các con. Dẫu vất vả làm việc kể cả ngày mưa lẫn ngày nắng, bà H’Long vẫn cố gắng nuôi các con ăn học với mong muốn cuộc sống của con sau này không còn phải chịu cảnh đói khổ.

Bà H’Phét K’dok nhặt ve chai nuôi các cháu ăn học.
Bà H’Phét K’dok nhặt ve chai nuôi các cháu ăn học.

Với cụ bà H’Phét K’dok (buôn K’bu, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), dù tuổi đã cao (ngoài 80 tuổi), nhưng hằng ngày vẫn lặn lội khắp các tuyến đường trong và ngoài xã để nhặt ve chai bán kiếm tiền lo cho các cháu ăn học. Trong ngôi nhà nhỏ được các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ xây dựng chỉ có chiếc giường cũ và mấy bộ áo quần vá chi chít, bà H’Phét đang sống cùng hai cháu ngoại là Y Tim (13 tuổi) và H’Ngai (9 tuổi). Thương cháu sớm mồ côi cha mẹ, nhiều người bảo bà gửi các cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội  tỉnh nhưng bà không đồng ý. Điều đáng nói nữa là cơm ăn bữa đói, bữa no, quần áo thì mặc lại đồ cũ mọi người cho nhưng chưa bao giờ bà có ý nghĩ cho các cháu bỏ học; ngược lại luôn khuyên bảo cháu cố gắng học thật giỏi để sau này có một tương lai tươi sáng hơn. Bà H’Phét tâm sự: “Mỗi ngày đi nhặt ve chai tôi kiếm được khoảng 20 nghìn đồng, cũng đủ cho bà cháu đong gạo ăn qua ngày. Dù khó khăn, vất vả thế nào đi nữa tôi cũng vẫn lo cho các cháu ăn học”.

Đã từng trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ, hơn ai hết bà Nguyễn Thị Thưởng (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) chẳng bao giờ quên được những ký ức một thời lam lũ. Từ miền Bắc vào Đắk Lắk lập nghiệp khi đất nước vừa giải phóng, nơi đất khách không họ hàng thân thích, vợ chồng bà đã làm đủ mọi nghề để lo cho các con ăn học, ban đầu chỉ với gánh hàng rong bán củ khoai, nhánh chuối trên các ngõ, hẻm rồi đến những chuyến buôn gạo, chè xanh, hoa quả… tuyến Bắc - Nam. Từng chuyến hàng đi về chẳng kể ngày đêm đã giúp bà nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ, các con bà đều đã có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định, sung túc. Nhớ lại những năm tháng vất vả mưu sinh, bà Thưởng kể: “Khó mà kể hết quãng thời gian đó, chỉ biết rằng vì cuộc sống quá đói khổ khiến tôi phải theo nghề buôn chuyến đường dài, lúc đó chẳng thể chăm sóc cho các con bởi có những chuyến đi về mất gần cả tháng, lại có năm đi về đến nhà đúng vào ngày 30 Tết. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ nghề ở nhà chăm lo cho các con, nhưng rồi vì miếng cơm, manh áo tôi lại tiếp tục rong ruổi đường xa, nhờ đó mà đã lo cho các con ăn học để cuộc sống không còn vất vả như thời bố mẹ”.

Có thể nói, bất cứ trong thời đại, xã hội nào cũng có người giàu sang và người nghèo khó; cũng có người vì hoàn cảnh đẩy đưa mà bất chấp mọi thủ đoạn để làm giàu, nhưng cũng có người chăm chỉ làm lụng, chẳng nề hà nặng nhọc, vất vả để lo cho cuộc sống gia đình, đặc biệt là những người phụ nữ. Công việc họ làm dẫu hết sức bình thường nhưng đáng quý trọng vì đó là sức lao động bỏ ra để kiếm những đồng tiền chân chính, là những giọt mồ hôi đổ xuống hằng ngày. Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau, nhưng ở họ sự cần cù, chăm chỉ và đức hy sinh vẫn luôn tỏa sáng. Mong rằng, công sức họ bỏ ra và những giọt mồ hôi đổ xuống sẽ được đền đáp bằng sự yêu thương, kính trọng, thành công trên con đường học vấn, cuộc sống của con cháu ngày sau.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc