Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực triển khai các chính sách dân tộc

10:46, 29/11/2015

Những năm qua, các chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Song, bên cạnh đó vẫn có một số  nội dung chưa đạt hiệu quả cao bởi cơ chế thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Đòn bẩy thoát nghèo

Ông Nông Quang Trung, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn cho biết, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện đã không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Chính phủ ban hành. Điển hình nhất phải kể đến Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Cụ thể: Đối với Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong chương trình 135, thì 5 năm qua toàn huyện đã sửa chữa và làm mới gần 18.500 m đường giao thông nông thôn (tổng số tiền gần 29,6 tỷ đồng), xây dựng 19 nhà sinh hoạt cộng đồng (số tiền trên 6,5 tỷ đồng); về Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã cấp giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị cho hơn 2.000 hộ DTTS nghèo với số tiền trên 6,3 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ, UBND huyện còn chỉ đạo các phòng chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tâp huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân từng bước nâng cao kỹ năng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập. Theo ông Trung, việc triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho đồng bào DTTS có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 41,2% dân số thì đến nay giảm còn 23,22%, trung bình mỗi năm giảm 3,59% hộ nghèo (cao hơn mức bình quân của tỉnh 1,132%).

Gia đình Bà H’Blo Hmôk (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) thoát nghèo  nhờ được hỗ trợ bò từ Chương trình 135.
Gia đình Bà H’Blo Hmôk (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò từ Chương trình 135.

Đối với các huyện như Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Pắc… những năm qua, các chính sách dân tộc cũng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả. Ông Y Dhun Ayun, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cư M’gar cho hay, thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, năm 2015 huyện Cư M’gar đã hỗ trợ 68 con bò giống cho hộ nghèo tại các xã Ea Kiết, Ea Kuêh và Ea M’droh với tổng kinh phí khoảng 790 triệu đồng; tổ chức 4 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho 354 hộ đồng bào DTTS tham gia; cấp phát và hỗ trợ trên 1 tấn ngô giống, trên 13 tấn muối I-ốt cho các hộ nghèo với tổng số tiền 408 triệu đồng. Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc nên đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS dần được cải thiện đáng kể. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng được rút ngắn. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29 triệu đồng/người/năm (tăng 1,75 lần so với năm 2010).

Ông Nguyễn Như Quyền, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, các chính sách dân tộc hiện nay được bổ sung khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín đến từng hộ gia đình người DTTS. Các công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trong việc giao thông đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Toàn tỉnh hiện còn 41.593 hộ nghèo (trong đó có 25.155 hộ DTTS), chiếm 10,02% số dân (giảm 8.841 hộ, tương ứng 2,24% so với năm 2013).

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Như Quyền, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến một số chính sách đạt kết quả chưa cao. Đơn cử như việc triển khai chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn, từ năm 2013 đến nay đã có 2.153 hộ được thụ hưởng, hiện tổng dư nợ là 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, do số vốn được phân bổ hằng năm thấp, mức cho vay hạn hẹp nên các hộ rất khó đầu tư phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người dân sau khi vay vốn đã không có khả năng hoàn trả. Một chính sách nữa cũng được xem là khó triển khai thực hiện là việc hỗ trợ đất sản xuất cho người DTTS nghèo (chương trình hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg) và Chương trình hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS (theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg). Theo kế hoạch, hiện nay tỉnh phải giải quyết hỗ trợ đất sản xuất cho 9.142 hộ người DTTS nghèo ổn định canh tác, song hầu hết số hộ này vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do quỹ đất của các địa phương hạn hẹp. Điển hình như các Dự án định canh, định cư tại xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc), xã Đắk Nuê và xã Nam Ka (huyện Lắk) đã được Chính phủ phê duyệt nhưng tỉnh vẫn không giải phóng được mặt bằng để thi công dự án vì vướng đất rừng phòng hộ. Trong khi đó có 2 dự án định canh, định cư khác tại xã Cư Klông (huyện Krông Năng) và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) hiện có thể giải phóng mặt bằng để thi công thì lại chưa được Chính phủ phê duyệt bổ sung.

Trước thực tế đó, theo ông Quyền thời gian tới Trung ương và tỉnh cần tăng cường thêm vốn, hoặc kêu gọi nguồn xã hội hóa để đầu tư bổ sung cho một số chính sách hỗ trợ người đồng bào DTTS; đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vốn cho khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chủ  trương, đường lối của Đảng, chương trình, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc giúp người dân nắm bắt được yêu cầu, hiểu rõ mục đích và nội dung chính sách, chủ động nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.