Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong ba tháng cuối năm

09:51, 30/09/2015

Tính đến tháng 9-2015, tổng số hộ nghèo của tỉnh còn hơn 50.000 hộ, chiếm 12% dân số; hơn 32.000 hộ cận nghèo, chiếm khoảng 7,8% dân số. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2015 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5-3%, nghĩa là đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng từ 7,02% đến 7,52%. Vậy các cấp,  ngành cần có những giải pháp gì để thực hiện được kế hoạch đề ra?

Nỗ lực thực hiện và những khó khăn trong công tác giảm nghèo

Toàn tỉnh hiện còn 19 xã nghèo thuộc 5 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 30%) gồm: Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, Krông Bông và M’Đrắk. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách giảm nghèo như: cho vay vốn ưu đãi, mở lớp tập huấn khuyến nông, đào tạo nghề, hỗ trợ về y tế, giáo dục,… dành cho các đối tượng hộ nghèo. Tuy nhiên, các chính sách này mới chỉ mang tính hỗ trợ trực tiếp, ngắn hạn; chính sách sinh kế còn ít. Nguồn vốn vay khá nhiều nhưng thời gian vay ngắn, nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự chịu khó vươn lên. Do đó, công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Hiện nay số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất còn rất lớn, khoảng 9.000 hộ nhưng việc thu hồi đất của các doanh nghiệp để cấp cho các hộ dân theo chủ trương của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn và không khả thi. Một số dự án định canh định cư đã được phê duyệt từ lâu và hiện đang thực hiện chưa xong, nhưng mức đầu tư không còn phù hợp với tình hình thực tế do yếu tố trượt giá nên không đủ khả năng để hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, Trung ương phân bổ vốn của một số chương trình chưa đủ theo quy định như: Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 551/QĐ-TTg, Quyết định số 755/QĐ-TTg. Kết quả thực hiện một số chính sách giảm nghèo ở một số nơi chưa đạt yêu cầu đề ra, như: hỗ trợ tiền điện còn chậm, công tác lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế chưa có hướng dẫn biểu mẫu của ngành Bảo hiểm xã hội nên còn chậm và sai sót; công tác rà soát, lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Thông báo số 178/TB-UBND ngày 29-7-2015 tại các huyện, thị xã, thành phố còn chậm; nguồn vốn cho vay hộ nghèo, kinh phí khuyến nông khuyến lâm, xây dựng mô hình, trợ giúp pháp lý còn nhiều hạn chế so với nhu cầu nên số đối tượng được thụ hưởng còn rất ít. Trong khi đó, năm 2015 xảy ra hạn hán kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng rất nhiều đến điều kiện sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố thì toàn tỉnh có khoảng 8.700 hộ dân bị thiếu đói giáp hạt, do đó, kết quả giảm nghèo năm 2015 khó đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn và dạy nghề là một trong những giải pháp giảm nghèo trong thời gian tới. Trong ảnh: Dạy nghề trồng nấm cho hộ nghèo ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana.
Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn và dạy nghề là một trong những giải pháp giảm nghèo trong thời gian tới. Trong ảnh: Dạy nghề trồng nấm cho hộ nghèo ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 hộ nghèo và 32.000 hộ cận nghèo. Mỗi năm giảm được khoảng 3% hộ nghèo, nhưng sau đó tái nghèo cũng rất nhanh. Hiện, tỉnh đang rà soát, đánh giá lại các chính sách và đề án đã triển khai để nâng cao hiệu quả giảm nghèo thời gian tới. Ông Thống cho hay: “UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tất cả các sở ban ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá lại tất cả các chính sách giảm nghèo trong thời gian vừa qua, chính sách nào tốt, những nội dung nào tốt, rồi những chính sách nào chưa phù hợp, không hiệu quả, những nội dung nào cần bổ sung thì cần rà soát đánh giá lại để tham mưu cho UBND tỉnh cũng như kiến nghị với Trung ương để sắp tới sẽ có những điều chỉnh bổ sung. Các địa phương trong tỉnh sắp tới cần có nhiều phương pháp, biện pháp tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, giữa các hoạt động của các hội đoàn thể lồng ghép vào công tác tuyên truyền về giảm nghèo, làm sao để người dân họ hiểu được, họ ý thức được trách nhiệm của mình, cùng với các hỗ trợ của Nhà nước để họ vươn lên thoát nghèo”.

Những kiến nghị, giải pháp thực hiện trong 3 tháng cuối năm

Kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm về công tác giảm nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được xây dựng với mục tiêu: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 2,5 - 3%. Đến cuối năm 2015 còn khoảng 7,02% - 7,52%. Trong đó cụ thể là: Hỗ trợ cho khoảng 20.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với số tiền khoảng 175 tỷ đồng. Hỗ trợ khuyến nông – khuyến lâm cho khoảng 4.200 lượt hộ nghèo, kinh phí khoảng 443 triệu đồng. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số các vùng khó khăn sau khi đã tiến hành rà soát, tổng hợp, lập danh sách theo Thông báo số 178/TB-UBND ngày 29-7-2015 của UBND tỉnh. Chi hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho khoảng 35.000 lượt học sinh, sinh viên theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và NĐ số 74/2013/NĐ-CP. Kinh phí khoảng 62 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 51.000 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng; trong đó có 41.500 hộ nghèo, kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Trợ giúp pháp lý cho khoảng 600 lượt người nghèo, kinh phí khoảng 493 triệu đồng (điều chỉnh tăng kế hoạch).  Thực hiện Chương trình 135 cho 44 xã đặc biệt khó khăn và 128 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, với kinh phí khoảng 82 tỷ đồng. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo và tuyên truyền về giảm nghèo. Tổng kinh phí khoảng 570 triệu đồng.

Để thực hiện được kế hoạch trên và giảm nghèo bền vững cho giai đoạn tiếp theo, theo ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì cần phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành về lĩnh vực giảm nghèo; tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, phấn đấu đạt chỉ tiêu về giảm nghèo đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau  nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, phát huy tính tự lực của bản thân, phấn đấu thoát nghèo. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá về các chính sách giảm nghèo, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo; rà soát thôn, buôn hoàn thành Chương trình 135, báo cáo đề nghị bổ sung thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, làm cơ sở đánh giá đúng về kết quả giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; xác định đúng tỷ lệ nghèo giai đoạn 2016-2020 để có đề xuất các chính sách, giải pháp triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất. Tổ chức tổng kết giai đoạn 2011-2015 để đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những gương điển hình, những giải pháp hay, những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Rà soát, thành lập Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo các cấp giai đoạn 2016-2020, đồng thời phân công nhiệm vụ, địa bàn cho các thành viên để chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi. 

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.