Multimedia Đọc Báo in

Tạo việc làm cho lao động nữ từ nghề may gia công

15:25, 23/11/2019

Xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vốn là xã thuần nông. Trước đây, nhiều phụ nữ ở địa phương này phải rời quê tìm việc ở các tỉnh phía Nam để cải thiện thu nhập.

Nhưng 5 năm trở lại đây, các cơ sở may gia công tại nhà nở rộ trên địa bàn xã đã giúp hàng trăm phụ nữ có công ăn việc làm ngay tại quê nhà với thu nhập ổn định.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Lan (40 tuổi, ở thôn 8) trước đây chủ yếu sống dựa vào trồng cà phê và chăn nuôi bò. Vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường, dịch bệnh, giá cả nông sản xuống thấp nên thu nhập từ nghề nông không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Đang loay hoay không biết làm thêm nghề gì kiếm thêm thu nhập thì vào giữa năm 2017, chị Lan được một người quen giới thiệu nghề may gia công tại nhà. Thấy công việc khá phù hợp, vợ chồng chị đã đầu tư mua máy may và nhận sản phẩm từ TP. Hồ Chí Minh về may gia công.

Nhận thấy việc may gia công có thể phát triển nên vợ chồng chị Lan đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mở cơ sở may. Mỗi tháng cơ sở của chị Lan nhận gia công 600 - 700 sản phẩm may mặc, chủ yếu là váy, đầm. Cơ sở hiện tạo việc làm cho 6 lao động nữ tại địa phương với thu nhập khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; những lúc cao điểm như lễ, tết, đơn hàng nhiều thì chị phải huy động thêm thợ may tại địa phương.

Chị Lan cho biết: “Để làm ra một sản phẩm may mặc cần phải qua nhiều công đoạn, như: cắt vải, ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may... nên cần rất nhiều lao động. Chị em tới xưởng của tôi làm thì ăn lương theo sản phẩm. Các chị em rất chịu khó học hỏi và hăng hái làm việc, trung bình tiền công là 15.000 đồng/1 chiếc  áo đầm”.

Chị Nguyễn Thị Bích Lan (bên phải) kiểm tra sản phẩm may của công nhân tại cơ sở.
Chị Nguyễn Thị Bích Lan (bên phải) kiểm tra sản phẩm may của công nhân tại cơ sở.

Không chỉ cơ sở của chị Lan, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Sơn đã có gần 15 cơ sở may gia công đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100 lao động nữ của địa phương. Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có lợi thế là tiện sắp xếp thời gian để đưa đón con và chăm lo cho gia đình nên thu hút đông đảo lao động nữ.

Chị Phạm Thị Trang (40 tuổi, ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền) trước đây chỉ biết trồng sắn, cà phê, những lúc nông nhàn chị không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Khi biết tại địa phương có rất nhiều cơ sở may cần tuyển lao động, chị liền đi học may. “Chỉ hơn một tháng vừa học vừa làm, tôi đã thành thạo các kỹ thuật may ráp. Lúc đầu học việc thì lương chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng, đến khi lành nghề thì tăng lên 3,5 triệu đồng”- chị Trang phấn khởi.

Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ tại địa phương, các cơ sở may gia công còn thu hút nhiều lao động nữ làm ăn xa quê trở về làm việc. Như trường hợp của chị Lê Thị Thu Hương (39 tuổi, ở thôn 8, xã Hòa Sơn) từng là công nhân may có kinh nghiệm gần 5 năm ở TP. Hồ Chí Minh. Cuộc sống nơi thành phố xa nhà rất bấp bênh, lương công nhân cũng bèo bọt, thời gian làm việc lại rất nghiêm ngặt, chị Hương quyết định trở về xin việc làm ở xưởng may gia công tại địa phương. Nhờ thạo nghề, mức lương của chị luôn trên 4 triệu đồng/tháng. Chị còn có thời gian chăm sóc con cái và tăng gia trồng rau, nuôi bò nhốt chuồng tăng thêm thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định.

Hướng dẫn công nhân may tại một cơ sở may gia công ở xã Hòa Sơn.
Hướng dẫn công nhân may tại một cơ sở may gia công ở xã Hòa Sơn.

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình "ly nông bất ly hương" là cách làm hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vì vậy, thời gian qua Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện giúp các cơ sở may gia công vay vốn mở rộng việc sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.