Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để tăng độ bao phủ cho hàng Việt?

14:11, 15/03/2017

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, hàng Việt đang dần chiếm ưu thế và thị phần. Tuy nhiên, vẫn cần một chiến lược “dài hơi” hơn để tăng độ “phủ sóng” cho hàng Việt…

Người dân tin dùng hàng Việt hơn

Hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thơm (đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột) gần đây bày bán phần lớn hàng trong nước sản xuất, số ít còn lại là của Malaysia, Thái Lan, Inđônêsia… Chị cho hay, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện đã thiên về hàng Việt thấy rõ. Một trong những lý do khiến hàng nội “lên ngôi” là giá khá bình dân, chất lượng bảo đảm. Nhiều khách hàng của chị cho rằng, dùng hàng Việt họ cảm thấy an tâm hơn.

Chị Phạm Ngọc Ngà, chủ cửa hàng tạp hóa Hoa trên đường Lê Hồng Phong cũng cho biết, hai năm trở lại đây, khách hàng tỏ ra e dè với hàng Trung Quốc và quay về tìm mua hàng Việt để sử dụng. Đơn cử như đối với hàng tiêu dùng thiết yếu thì các loại nước mắm truyền thống như Phú Quốc, Hưng Thịnh, Hạnh Phúc… vốn được khách hàng tin dùng nên chị ưu tiên trưng bày ở vị trí trung tâm và chiếm nhiều diện tích trên các kệ hàng chị bày bán.

Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.

Còn tại các kênh phân phối lẻ, hàng Việt đã từng bước “soán ngôi” và được ưu tiên bày bán ở những vị trí trung tâm, bắt mắt. Ở siêu thị Co.opmart, Vinmart  Buôn Ma Thuột, hàng nội được cân nhắc và đưa vào kinh doanh chiếm tỷ lệ trên 90%. Đối với các chợ truyền thống, hàng hóa không rõ nguồn gốc, có xuất xứ từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng (NTD) cẩn trọng hơn, thậm chí đang dần quay lưng. Bà Nguyễn Thị C., tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, khi  mua các mặt hàng củ, quả, khách hàng bao giờ cũng hỏi rất kỹ về nguồn gốc và “né” hàng Trung Quốc. Do đó, để “giữ chân” và tạo uy tín lâu dài với những mối hàng, bà đã hạn chế nhập hàng của nước này về bán.

Thực tế trên cho thấy, hàng Việt đã trở thành lựa chọn an toàn và tin tưởng đối với nhiều NTD trong tỉnh. Thay vì tâm lý sính ngoại như trước đây, hiện nay, nhiều NTD đang có xu hướng “hướng nội” thấy rõ. Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh, từ khi có Cuộc vận động đã có sự chuyển động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, giúp NTD trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hàng Việt. Cái nhìn của người dân về hàng hóa trong nước sản xuất đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều có xuất xứ từ Trung Quốc và chiếm cảm tình của NTD vì lợi thế giá rẻ nhưng hiện nay, xu hướng tiêu dùng đã khác. Hàng Việt đã vươn lên khẳng định mình nhờ chất lượng, mẫu  mã và giá thành hợp lý, do đó, đón nhận được niềm tin và tạo uy tín đối với khách hàng.

Một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) Việt là với nhiều NTD, trước mỗi sản phẩm, chưa vội bàn đến chất lượng hay mẫu mã, nhưng họ đã dành nhiều ưu tiên hơn cho hàng Việt, trước hết bởi mỗi người tự ý thức, đơn giản họ là công dân Việt. Anh Trần Hữu Thanh, NTD huyện Cư M’gar chia sẻ, hàng Việt dù vẫn còn một số “điểm trừ” nhưng là người Việt, anh ủng hộ hàng nội, vì đó là một cách thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Tiểu thương vẫn chưa mặn mà

Rõ ràng, gần đây, người dân đã quen và ưa chuộng hàng do các DN trong nước làm ra hơn. Vấn đề đáng bàn ở chỗ, tuy hàng Việt đang chiếm áp đảo trên các kệ hàng, nhất là ở các siêu thị hiện đại, nhưng tại các chợ truyền thống, phần lớn tiểu thương vẫn chưa “mặn mà” để thúc đẩy tỷ lệ hàng Việt được bày bán lên cao hơn nữa. Nhiều người cho hay, thị hiếu chuộng hàng nội của NTD những năm gần đây khiến hàng Việt dễ bán hơn, song, họ vẫn còn phân vân về tỷ lệ cân đối giữa hàng Việt và hàng nhập ngoại, nhất là bánh kẹo của Thái Lan và Malaysia. Bởi, DN Việt hầu như chưa có ưu đãi thỏa đáng cho người bán như tỷ lệ chi hoa hồng, lợi nhuận, cam kết sau bán hàng…vẫn còn thấp hơn nhiều khi họ bán hàng liên doanh hoặc hàng ngoại. Điều đáng nói hơn là trong các đợt cao điểm như lễ, tết… trong khi DN ngoại triển khai  nhiều chương trình chiết khấu cao, tặng quà đi kèm thì DN Việt lại chẳng thấy đả động gì…. Bấy nhiêu đó khiến tiểu thương bị thiệt thòi nên không muốn ưu tiên tỷ lệ lớn hàng Việt để bày bán.

Khách chọn mua hàng Việt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua hàng Việt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, kênh phân phối hàng Việt cũng không được ổn định, việc chưa cung cấp kịp khiến một mặt hàng nào đó bị “đứt” trong thời gian dài không phải là hiếm xảy ra. Do đó, DN Việt cần kết nối, có chính sách liên kết với các tiểu thương bán lẻ hoặc thiết lập hệ thống phân phối tại địa phương để NTD thân thiện hơn với hàng Việt.

Ngoài ra, DN nội địa cũng cần tìm hiểu để xây dựng chiến lược marketing phù hợp với thị trường nông thôn, cần chủ động tiếp cận được với các điểm bán lẻ để giúp NTD có cái nhìn tổng thể hơn về hàng Việt. Bởi, theo nhiều tiểu thương thì NTD nông thôn vẫn có thói quen mua những mặt hàng được quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, quan tâm sản xuất sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của NTD và sáng tạo, thay đổi mẫu mã sản phẩm thường xuyên. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.