Multimedia Đọc Báo in

Động lực cho người nghèo ở Cư Prông

08:50, 02/01/2017
Trong những năm qua, từ chính sách hỗ trợ bò giống sinh sản thuộc Chương trình 135, nhiều hộ dân ở xã vùng III Cư Prông (huyện Ea Kar) đã có thêm động lực để phát triển kinh tế và cơ hội thoát nghèo.

Anh Nông Văn Dới – một trong những hộ nghèo tại thôn 15, hơn 4 năm qua một mình chật vật nuôi 2 con nhỏ. Năm 2012, vì không chịu được cuộc sống khổ cực, vợ chồng hay cãi vã nên vợ anh đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Nhà không có đất sản xuất, mọi chi tiêu hằng ngày chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi thu từ công xay xát của anh. Cuối năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với một số tiền tích góp được, anh Dới đã đối ứng thêm để mua 1 con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn vay thêm tiền của anh em, xóm giềng xây chuồng nhốt bò. Khoảng đất trống sau nhà, anh rào lưới, mua giống cỏ về trồng làm thức ăn cho bò. Thương bố vất vả, 2 đứa con anh, những buổi không đến trường cũng thay nhau cắt cỏ, chăn bò. Nhờ chăm sóc tốt, sau 2 năm, bò mẹ đã sinh được 1 bê con khỏe mạnh. Anh bộc bạch, từ ngày được hỗ trợ bò sinh sản tạo thêm động lực cho 3 bố con, ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm heo thịt, gà thả vườn – hy vọng đây là những “chiếc cần câu” giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo trong nay mai.

Bò sinh sản của hộ chị Hoàng Thị Dung.
Bò sinh sản của hộ chị Hoàng Thị Dung.

 

UBND xã Cư Prông cho biết, từ 2014 - 2016, có 77 hộ nghèo của xã được trao bò giống sinh sản, với số tiền hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình 135 và vốn đối ứng thêm của các hộ dân.

Cách nhà anh Dới chừng 500 mét, hộ chị Hoàng Thị Dung cùng thôn có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Ngoài căn nhà lụp xụp - là nơi tá túc của vợ chồng chị và 2 đứa con, gia đình không có tài sản nào giá trị. Đất sản xuất không có, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền công thợ xây của chồng và làm thuê của chị, bấp bênh ngày có, ngày không, bữa ăn hằng ngày cũng phải đong đo từng bữa một. Chị giãi bày, cuối năm 2014, được thôn báo gia đình thuộc diện được hỗ trợ bò sinh sản, chị mừng muốn khóc. Bởi đó là mơ ước bao nhiêu năm của gia đình chị. Từ ngày có bò giống, chị chăm sóc cẩn thận. Bò mẹ đã đẻ được con bê 10 tháng. Chị dự định sẽ nuôi bê con làm giống gây đàn, chứ không bán đi, coi như đó là vốn sản xuất của gia đình.

Còn tại buôn M’Um - là vùng đồng bào DTTS tại chỗ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chiếm hơn 74% dân số. Chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản đã hỗ trợ phần nào về nhu cầu vốn phát triển sản xuất, cơ hội thoát nghèo cho các gia đình ngày càng gần hơn. Trong nhiều năm liền gia đình anh Y’Hoan Byă thuộc diện hộ nghèo của buôn; năm 2014 được Nhà nước hỗ trợ bò, vợ chồng anh thay nhau chăm sóc. Hiện bò đã sinh bê con trị giá từ 7-9 triệu đồng, năm 2016 gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.

Vừa nhận bò hỗ trợ từ tháng 9 năm nay, chị H’Trang Byă không giấu được xúc động; chị bày tỏ, cảnh đơn thân nuôi con mười mấy năm nay, nương rẫy ít ỏi, những lúc nhàn rỗi muốn kiếm việc làm thêm cũng không có. Từ lúc nhận bò đến nay, chị có thêm việc để làm. Với chị, nuôi bò rất thuận lợi, bởi dễ chăn thả tự nhiên, lại còn tận dụng được các các phụ phẩm của cây bắp, rơm rạ, không để phí như lâu nay. Chị hứa sẽ chăm sóc bò thật tốt để bò sinh sản, gây đàn tạo giống, không chỉ 1 con mà nhiều hơn nữa.

Có thể khẳng định, chương trình hỗ trợ bò sinh sản đã và đang được triển khai có hiệu quả - đây không chỉ đơn thuần là trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo mà còn tác động quan trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững tại xã vùng III Cư Prông.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.