Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cây trồng không phù hợp, nợ lương lao động trên 10 tỷ đồng

16:45, 28/09/2016

Công ty TNHH MTV Cà phê 715A (gọi tắt là Công ty), tiền thân là Nông trường Cà phê 715A, địa chỉ thôn 18, xã Ea Riêng (huyện M’Đrắk) hiện đang quản lý khoảng 850 ha đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê với mục đích trồng cây lâu năm. Diện tích đất này nằm trong vùng quy hoạch trồng cà phê của tỉnh.

Trước đây, khi công ty này còn thuộc Nông trường Cà phê 715 (đến năm 1990, tách ra thành các nông trường cà phê 715A, 715B và 715C) thì hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp khi được chia tách đều đã trồng cà phê vối. Đến khoảng năm 2003, Công ty xin chủ trương của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) chuyển đổi 200 ha cà phê vối được cho là già cỗi sang trồng cà phê chè. Năm 2004, Công ty lại xin Vinacafe chuyển 100 ha cà phê chè sang trồng ca cao và năm 2010 lại phá bỏ một số diện tích cà phê chuyển sang dự án trồng cao su. Điều đáng nói là theo mục đích cho thuê và quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng của tỉnh thì toàn bộ diện tích đất giao cho Công ty là đất trồng cà phê, còn với các cây trồng khác như ca cao và cao su đều không nằm trong quy hoạch.

Ông Nguyễn Công Huyên, Phó Giám đốc Công ty cho biết, sau khi triển khai trồng cao su đến năm 2013, Công ty mới trồng được 328 ha (dự án được Vinacafe phê duyệt là 500 ha), với số vốn đã đầu tư trên 20 tỷ đồng. Từ đó đến nay dự án này đã tạm dừng do thiếu vốn. Hiện Công ty còn đang nợ tiền lương của lao động khoảng 10 tỷ đồng từ dự án cao su. Để tránh lãng phí đất, Công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương tái canh 400 ha cà phê nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa phê duyệt. Khó chồng thêm khó, Công ty đang “gõ cửa” khắp các ngân hàng xin vay vốn sản xuất nhưng các ngân hàng vẫn chưa chấp thuận vì dự án tái canh cà phê chưa được tỉnh phê duyệt.

Lô đất ở thôn 18, xã Ea Riêng do Công ty TNHH MTV Cà phê 715A cho thuê đang bị sử dụng sai mục đích  nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Lô đất ở thôn 18, xã Ea Riêng do Công ty TNHH MTV Cà phê 715A cho thuê đang bị sử dụng sai mục đích nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

 Theo ông Huyên, nguồn thu chính của Công ty hiện chỉ trông chờ vào khoảng 300 ha cà phê đang giao khoán với người dân địa phương (thu sản bình quân 2,6 tấn nhân/ha/năm), cộng với khoảng 100 ha đất cho người dân thuê trồng các loại cây ngắn ngày (thu phí từ 2-4 triệu đồng/ha/năm). Nguồn thu này chỉ đủ để Công ty hoạt động cầm cự, còn khoản nợ lương lao động thì chưa có hướng nào để có tiền chi trả.

Sai phạm trong thanh lý tài sản và giao khoán đất

Chưa hết, từ khó khăn trong quá trình hoạt động, Công ty này đã tiến hành bán thanh lý tài sản và giao khoán đất bất hợp lý, nhiều sai phạm. Sau khi nhận đơn thư tố cáo của người dân địa phương, vào tháng 11-2013, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã cử đoàn kiểm tra vào làm việc. Đoàn kiểm tra xác định, việc bán tài sản thanh lý dãy nhà đời sống của Công ty là không công khai đấu giá, không qua trung tâm thẩm định giá, đồng thời bán tài sản thanh lý cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Công ty có tên trong danh sách Hội đồng định giá tài sản là sai quy định hiện hành.

Việc bán tài sản trên trụ sở cũ của Công ty cũng không thông qua trung tâm thẩm định giá, định giá tài sản chưa đủ căn cứ. Do diện tích đất của trụ sở cũ đã được chuyển mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp, nên sau khi bán thanh lý tài sản trên đất, Công ty đã ký hợp đồng thỏa thuận giao, nhận khoán đất sản xuất với ông Lê Đình Chính (công nhân của Công ty) 8.600 m2 đất sản xuất nông nghiệp để trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Chính đã xây dựng trên đất được giao khoán sân bóng đá mini và làm 2 nhà gỗ lợp ngói đỏ.

Từ những sai phạm đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty có trách nhiệm tổ chức thực hiện lại việc bán thanh lý tài sản của dãy nhà đời sống theo đúng quy định của pháp luật; giám sát yêu cầu bên nhận khoán đất trụ sở cũ phải thực hiện sử dụng đúng mục đích như cam kết tại hợp đồng đã ký… Tuy nhiên, Công ty 715A còn chần chừ, không đưa ra hướng giải quyết triệt để. Hiện trên khu đất trụ sở cũ, người nhận khoán còn mở thêm quán cà phê, karaoke, sân bóng đá mini mà không bị xử lý.        

    Hiện nay vẫn có một số doanh nghiệp sau khi chuyển đổi từ các nông trường cà phê cũ đang sử dụng đất sai mục đích được Nhà nước giao, chuyển đổi cây trồng không theo quy hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, để xử lý những trường hợp sai phạm này thì tỉnh vẫn chưa có chế tài mạnh đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT

 


 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.