Multimedia Đọc Báo in

Người tiêu dùng đã phát huy "Quyền được an toàn" của mình?

17:25, 27/03/2016

Với những điều khoản cụ thể được pháp luật quy định, người tiêu dùng (NTD) hoàn toàn có thể yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh đáp ứng khiếu nại của mình khi mua phải hàng hóa kém chất lượng hoặc dịch vụ không như cam kết, nhưng nhiều NTD vẫn còn tỏ ra e ngại đấu tranh khi quyền lợi bị xâm phạm.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công cao

Cách đây 2 tháng, ông Đinh Hậu (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma  Thuột) mua bình nước đóng chai loại 20 lít, nhãn hiệu Dakawa tại cơ sở do bà Trần Thị L. xã Ea Kao làm chủ. Đây là loại nước uống ông đã tin dùng suốt hai năm nay nhưng lần này, khi sử dụng, ông phát hiện bình nước có mùi hôi  thối và đã báo về cơ sở sản xuất cho nhân viên đến kiểm tra nhưng sự việc vẫn không được giải quyết. Không bằng lòng, ông liền tìm đến với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để được can thiệp, kết quả, chủ cơ sở đã chịu trách nhiệm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho ông.

Cán bộ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tuyên truyền kiến thức pháp luật  về quyền của người tiêu dùng cho người dân tại TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tuyên truyền kiến thức pháp luật về quyền của người tiêu dùng cho người dân tại TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Hậu là một trong số ít NTD trên địa bàn tỉnh kiên trì  theo đuổi sự việc đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. Trên thực tế, đã có rất nhiều NTD mua phải sản phẩm lỗi, không bảo đảm chất lượng hoặc dịch vụ hậu mãi không như cam kết, khi họ phản ánh và đề nghị phía doanh nghiệp (DN) đổi, trả, đền bù cho mình nhưng vẫn không được đáp ứng.

Trong khi đó, hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng, theo đó nguy cơ mất an toàn cũng rất cao, nhất là ở ngành hàng thực phẩm. Chỉ tính riêng từ cuối năm 2015 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã bắt quả tang 5 vụ vận chuyển thịt động vật không rõ nguồn gốc với số lượng trên 3 tấn, đã xử phạt hành chính tổng số tiền gần 80 triệu đồng.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, trong 5 năm 2010-2015, Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại của Hội đã tiếp nhận 196 vụ khiếu nại của NTD, với tỷ lệ giải quyết thành công đạt 97%. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ khiếu nại đạt 14,65 tỷ đồng, giá trị NTD được hỗ trợ và bồi thường  đạt trên 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn quá ít so với thực tế, phần lớn do NTD ngại lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội cho biết, nếu như trước đây, hầu hết các vụ khiếu nại đều phát sinh từ giao dịch truyền thống thì thời gian gần đây, xuất hiện một vài khiếu nại thông qua giao dịch thương mại điện tử. Cũng theo bà Lan, trong khi nhiều NTD không mạnh dạn tìm đến cơ quan pháp luật để được bảo vệ quyền lợi của mình thì một số DN lại cố tình dây dưa, kéo dài thời gian giải quyết trước những phản ánh, khiếu nại của NTD, khiến họ đâm ra nản và không theo đến cùng sự việc nữa.

Người tiêu dùng vẫn e ngại...

Luật Bảo vệ NTD ra đời, có hiệu lực từ 1-7-2011, một trong 8 quyền cơ bản của NTD là có quyền được bảo đảm an toàn. Trong đó, có quyền bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Đây cũng là chủ đề chính được Bộ Công thương chọn trong năm 2016 để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD, cũng như xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh trong toàn xã hội.

Người tiêu dùng hiện đã quan tâm hơn đến việc đọc kỹ thông tin ghi trên bao bì sản phẩm trước khi quyết định chọn mua.   Ảnh: Đỗ Lan
Người tiêu dùng hiện đã quan tâm hơn đến việc đọc kỹ thông tin ghi trên bao bì sản phẩm trước khi quyết định chọn mua. 

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua công tác bảo vệ quyền lợi NTD đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, nhiều NTD vẫn chưa hiểu hết và chưa biết tìm đến cơ quan liên quan để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình dù đã được Luật quy định khá chặt chẽ. Từ đó dẫn đến lúng túng trong việc giải quyết tranh chấp giữa NTD với hộ kinh doanh, DN phân phối hàng hóa. Ông Nguyễn Văn D. (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, không ít lần, khi mua hàng hóa và đối chiếu lại tại điểm cân đối chứng ở chợ Phan Chu Trinh, ông phát hiện mình đã bị cân thiếu. Mang hàng đến đổi lại với người bán thì họ không những không thừa nhận mà còn buông ra những lời thách thức. Để tránh phiền hà, cãi vã, ông đành bỏ qua cho êm chuyện.

Ngoài Luật Bảo vệ NTD còn có Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD” có hiệu lực thi hành từ ngày 5-1-2016 cũng có nhiều quy định mới đứng về phía NTD, đồng thời nêu rõ những hình phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm của DN bán hàng. Theo đó, DN bán hàng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ do nhầm lẫn; đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ; tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại; yêu cầu hoặc buộc NTD thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, hành vi DN bán hàng từ chối tiếp nhận yêu cầu thương lượng của NTD, hoặc không thương lượng với NTD trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được yêu cầu của NTD) cũng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng. DN bán hàng vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn…

Ngày nay, giữa “ma trận” của thực phẩm bẩn, nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng của NTD là rất lớn. Con số 196 vụ việc được giải quyết thành công trong vòng 5 năm vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế hằng ngày NTD bị xâm hại còn khá cao. Phải chăng NTD đang thờ ơ với quyền lợi của mình? Trước những ẩn họa trên, bà Lan cho rằng, vấn đề chính vẫn là cái tâm của nhà sản xuất, kinh doanh và quan trọng hơn là ý thức tiêu  dùng của người dân. Do đó, NTD nên trang bị kiến thức khi mua hàng hóa, duy  trì thói quen đọc kỹ thông tin trên sản phẩm, giữ lại hóa đơn, chứng từ khi giao dịch mua - bán. Mặt khác, chủ động tìm hiểu Luật  Bảo vệ NTD để còn biết nơi khiếu nại, yêu cầu được bồi thường khi quyền lợi của mình bị xâm hại.

 Trâm Anh

 


Ý kiến bạn đọc