Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp

11:35, 29/02/2016
Chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp đang được nhiều hộ nông dân TP.Buôn Ma Thuột áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 159 trang trại chăn nuôi (lớn, nhỏ) phát triển tốt và đóng góp giá trị khá trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 76 trang trại nuôi gà, 72 trang trại nuôi heo và 11 trang trại nuôi vịt. Tính đến tháng 12-2015, đàn gia cầm của thành phố lên đến 1.177.000 con, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn heo là 106.234 con, tăng 28,72% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò: 8.123 con, tăng 7,05% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú nhờ phát triển chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp.

Trang trại nuôi heo công nghiệp của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huệ tại thôn 3, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) với quy mô khoảng 60 heo nái và 300 con heo thịt, được thiết kế ô chuồng một cách khoa học, sạch sẽ, ngăn nắp trên diện tích 2.000 m2, phù hợp cho việc chăm sóc heo hằng ngày. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi thành công mà nhiều nông dân đến tham quan học tập. Từ năm 2010, anh Huệ bắt đầu chăn nuôi nhỏ lẻ với vốn liếng chưa đến 30 triệu đồng đủ nuôi 10 con heo nái. Nhờ chịu khó học hỏi từ mô hình khuyến nông và kỹ thuật chăn nuôi, anh dần dần đầu tư mở rộng quy mô. Anh Huệ cho biết: Nuôi heo theo hướng công nghiệp đã mang lại tổng doanh thu cho gia đình anh hơn 2,5 tỷ đồng mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình còn lãi được từ 600 – 700 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của mình, anh Huệ cho rằng để nuôi heo thành công cần các điều kiện đáp ứng: giống heo tốt; nguồn thức ăn bảo đảm chất lượng; chú trọng phòng bệnh và môi trường nuôi hợp vệ sinh. Anh Huệ đã tìm hiểu và chọn giống heo từ Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Đối với heo thịt, anh mua giống từ lúc heo con nặng khoảng 10 kg với giá 1,2 triệu đồng/con; heo nái giống được mua khi trọng lượng heo khoảng 100 kg. Theo anh Huệ, việc lựa chọn từng lứa tuổi của từng loại heo phù hợp cho mục tiêu kế hoạch chăn nuôi đề ra góp phần lớn trong phát triển chăn nuôi hiệu quả. Thức ăn cần thiết để nuôi heo theo hình thức công nghiệp phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của từng loại heo, từng giai đoạn phát triển. Nguồn thức ăn cho heo được anh Huệ chọn mua từ những công ty uy tín tận phía Nam, mỗi lần mua với số lượng lớn và công ty cung cấp thức ăn qua hình thức đầu tư trả sau nên giảm áp lực cho kinh phí “đầu vào”.

Cán bộ Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra  một trang trại nuôi gà công nghiệp tại thôn 2, xã Cư Êbur.
Cán bộ Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra một trang trại nuôi gà công nghiệp tại thôn 2, xã Cư Êbur.

Việc chú trọng quan tâm tiêm phòng từ đầu, dinh dưỡng đầy đủ và môi trường chăn nuôi sạch sẽ hạn chế tối đa các loại bệnh nguy hiểm có thể phát sinh và phát triển thành dịch như bệnh tai xanh heo, bệnh lở mồm long móng, bệnh thương hàn, tụ huyết trùng... Đối với chăn nuôi heo theo phương thức công nghiệp, phần lớn nông dân thường nuôi thăm dò, tích lũy kinh nghiệm và phát triển nhân rộng theo thời gian, hạn chế rủi ro về bệnh dịch và ít áp lực về vốn đầu tư một lúc.

Khác với mô hình trang trại nuôi heo công nghiệp, mô hình trang trại nuôi gà công nghiệp dễ phát triển nhân rộng hơn vì đầu tư vốn ban đầu ít hơn, dễ nuôi, đặc biệt là nuôi gà siêu trứng đã mang lại nguồn thu nhập rất lớn so với phát triển một số ngành nghề nông nghiệp khác. Trang trại nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Nguyễn Đình Hợp ở thôn 2, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) nuôi 4.000 con gà siêu trứng, trung bình mỗi ngày thu được 3.200 - 3.500 quả trứng, mỗi tháng cho doanh thu hơn 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 35-45 triệu đồng. Anh Hợp cho biết, hầu hết các trang trại nuôi gà đẻ đều mua giống gà khoảng 17 tuần tuổi từ Công ty CP và đã được tiêm phòng vắcxin cúm trước khi mang gà về. Từ 21 tuần trở đi (sau khi mua 4 tuần) gà bắt đầu đẻ mỗi ngày một trứng (tuy nhiên không phải 100% gà đều đẻ). Từ tuần thứ 24 trở đi, gà đẻ đạt tỷ lệ cao dần (có thể đạt 95-96% số lượng gà đẻ). Mỗi lứa gà có thể cho trứng đạt tỷ lệ cao từ 10-12 tháng, sau đó lượng trứng giảm dần; khoảng 15 tháng (kể từ ngày mua về) sẽ thải lứa gà đẻ bằng cách bán gà thịt (từ 55-70 nghìn đồng/kg hơi). Trong quá trình nuôi cần tiêm nhắc lại các loại vắc xin cũng như một số loại thuốc theo hướng dẫn của nhà chuyên môn như: ND-IB-EDS K và ND-IB-EDS Emulsion để phòng bệnh Niu-cát-xơn (ND), viêm phế quản truyền nhiễm (IB) và hội chứng giảm đẻ (EDS). Những hộ nuôi gà chuyên nghiệp thường mua gà giống chỉ 1 ngày tuổi về nuôi úm và cho đẻ trứng sẽ có giá rẻ hơn (từ 14-17 nghìn đồng/con), hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với mua gà 17 tuần tuổi (giá khoảng 120 nghìn đồng/con (nặng từ 0,9-1,3 kg/con).

Chăn nuôi theo phương thức công nghiệp là một trong những xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng giá trị cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình và xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, chăn nuôi hiện nay vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Môi trường chăn nuôi một số địa số địa phương chưa bảo đảm. Vì vậy, để phát triển ổn định, bền vững về chăn nuôi trang trại công nghiệp cần có những giải pháp thiết thực như: Vận động nhân dân phát triển trang trại chăn nuôi phải xa khu dân cư, dần đưa vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung; ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, áp dụng các biện pháp xử lý nguồn chất thải của gia súc, gia cầm hợp lý bằng công nghệ đệm lót sinh học, biogas…; liên kết với các doanh nghiệp cung cấp nguồn giống gia súc, gia cầm chất lượng và xây dựng thị trường bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.