Multimedia Đọc Báo in

Rau an toàn... gian nan tìm chỗ đứng - Kỳ 1: Rau an toàn và nghịch lý cung - cầu

11:05, 03/06/2015
Người tiêu dùng có nhu cầu dùng rau an toàn rất lớn song các sản phẩm rau an toàn của các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất trên địa bàn vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Bất cập này sẽ khó có thể giải quyết được nếu không có sự hỗ trợ đúng mức từ cơ quan quản lý Nhà nước…

Kỳ 1: Rau an toàn và nghịch lý cung - cầu

Làm thế nào để mua được rau sạch và các thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình hằng ngày? Đây là mối bận tâm lớn của các bà nội trợ. Ai cũng có nhu cầu sử dụng rau sạch, thực phẩm sạch song tìm mua không dễ bởi nơi cung cấp rau sạch đúng nghĩa không nhiều, rau bán ở chợ thì mập mờ chất lượng...

Nhu cầu nhiều...

Sáng sớm hoặc chiều tối, cứ có chút thời gian rảnh rỗi là chị Nguyễn Thị Hương (đường Đặng Trần Côn, TP. Buôn Ma Thuột) lại chăm chút, cuốc xới cho vườn rau nhỏ trước nhà. Không có nhiều đất, chị tận dụng luôn mảnh đất ven bờ rào của khu Ký túc xá khoa Y thuộc Trường Đại học Tây Nguyên trước nhà để trồng đủ các loại rau, từ rau cải, rau muống, rau lang đến đậu ve, cà chua... Chị bảo: “Rau ngoài chợ thì nhiều nhưng chẳng biết chất lượng thế nào. Lâu lâu lại nghe chuyện loại rau này sử dụng thuốc kích thích, rau kia sử dụng thuốc tăng trưởng... mà sợ. Trong khi đó, rau lại là thực phẩm hằng ngày không thể thiếu trong bữa ăn gia đình. Tự trồng rau ăn, tự cung tự cấp mới yên tâm. Chỉ có điều, mình không thể trồng hết các loại rau, nhiều loại vẫn phải mua ngoài chợ”.

Một hộ dân trồng rau sạch tại buôn Kao, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Một hộ dân trồng rau sạch tại buôn Kao, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Nhà có con nhỏ đang ở độ tuổi ăn dặm nên thực phẩm sạch là mối quan tâm rất lớn của chị Nguyễn Thị Minh (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Thường xuyên đi công tác đến các địa phương trong tỉnh, cứ đi đến đâu thấy bà con nông dân có vườn trồng rau sạch là chị lại vào hỏi mua. Có lần đi công tác mà chị mang về nhà lỉnh kỉnh những bao bịch, từ gà, trứng cho đến rau củ, gạo mua được trên đường. Mỗi khi đi chợ, chị Minh thường tìm đến những bà, những mẹ người dân tộc thiểu số gùi rau đi bán hoặc những gánh rau, mẹt rau chỉ có vài loại thôi, được người bán quảng cáo là “rau sạch nhà tự trồng”. Chị Minh tâm sự: “Tôi cũng chỉ mua theo cảm tính thôi chứ cũng chẳng biết họ quảng cáo rau sạch nhà trồng nhưng có thật sự... sạch không. Tôi rất mong ở TP. Buôn Ma Thuột có nhiều cửa hàng chuyên về rau sạch, được cơ quan Nhà nước kiểm định chất lượng chặt chẽ, để yên tâm mua về sử dụng. Tiếc là những cửa hàng như thế chẳng có nhiều mà có phải ai cũng có thời gian để hằng ngày vào siêu thị mua rau đâu”.

Được sử dụng rau sạch và các loại thực phẩm an toàn không chỉ là mong muốn của chị Hương, chị Minh mà của tất cả các bà nội trợ. Trước nhan nhản thông tin về thực phẩm bẩn, rau bị phun đủ các loại thuốc bất lợi cho sức khỏe thì nhu cầu về thực phẩm sạch lại càng nhiều hơn. Không yên tâm về các loại rau bán ở chợ truyền thống – hầu hết đều không có sự kiểm định nào về chất lượng – người tiêu dùng đành tự “trở thành người tiêu dùng thông minh” theo cách riêng của mình: chịu khó vào siêu thị (nơi vẫn được cho là bảo đảm về chất lượng), tìm những vườn rau sạch và ngày càng nhiều người chọn cách... tự trồng rau ăn.

Nguồn cung ít

Cứ mỗi tuần 2 lần, chị Trần Thị Tâm (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) lại đánh xe đến siêu thị Co.opmart để mua rau và các loại thực phẩm khác cho gia đình. Chị cho biết: “Tin tưởng vào chất lượng các loại thực phẩm bán ở đây, nhất là rau, nên tôi cố gắng sắp xếp thời gian để đi siêu thị. Giá cả có đắt một chút nhưng yên tâm về chất lượng. Thật sự là nếu bây giờ mà có thông tin rằng chất lượng thực phẩm ở các siêu thị cũng không bảo đảm thì những người tiêu dùng như chúng tôi cũng chẳng biết mua ở đâu cho an toàn”.

Người tiêu dùng chọn mua rau, củ, quả tại siêu thị Co.op Mart.
Người tiêu dùng chọn mua rau, củ, quả tại siêu thị Co.op Mart.

Nhu cầu của người tiêu dùng lớn như thế nhưng những địa điểm cung cấp rau an toàn trên địa bàn tỉnh lại rất ít. Đặc biệt, tại các chợ dân sinh trên địa bàn hoàn toàn vắng bóng những gian hàng bán rau an toàn. Theo chị Phan Thị Kim Hồng, một tiểu thương chuyên kinh doanh rau ở chợ Buôn Ma Thuột tiết lộ: “Rau bán tại các chợ dân sinh hiện nay đều được nhập từ chợ đầu mối, chủ yếu là hàng đưa từ Đà Lạt sang hoặc hàng nhập từ Trung Quốc về. Khi nhập hàng, nhất là hàng Đà Lạt, chủ vựa bảo rau sạch thì chúng tôi biết vậy rồi khi bán cũng nói với người mua đó là rau sạch chứ chẳng có gì làm bằng chứng đó là rau sạch cả. Còn rau an toàn của các hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh hầu như chỉ được phân phối tại các siêu thị và một số cửa hàng rau củ. Nhưng số lượng các cửa hàng này rất ít nên hầu hết người dân vẫn lựa chọn rau ở chợ truyền thống”. Quan sát cho thấy, ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, những nơi bán rau an toàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngoài vài cửa hàng có đề biển “rau an toàn” thì còn một số nơi được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng thực phẩm sạch như các siêu thị Co.opmart, Metro  hay Vinatex. Tuy nhiên, những nơi này chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn, bởi không phải ai cũng có điều kiện để đến siêu thị mua thực phẩm mỗi ngày.

Rõ ràng, nhu cầu rau sạch, rau an toàn trên thị trường là rất lớn nhưng dường như sản phẩm của các hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn lại chưa đến được với người tiêu dùng…

(Còn nữa)

 Kim Hồng 

 


Ý kiến bạn đọc