Multimedia Đọc Báo in

Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Ea Sol

20:41, 28/02/2015
Nằm ở phía đông huyện Ea H’leo, xã Ea Sol có những đồng cỏ dưới tán rừng, ven suối và nhiều phụ phế phẩm sau sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc. Tận dụng lợi thế này và công nhàn rỗi trong gia đình, từ năm 2002 trở lại đây, nhiều nông hộ ở các thôn, buôn trong xã đã phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt để thoát nghèo, tạo ra hàng hóa có giá trị cung cấp cho thị trường.

Toàn xã Ea Sol hiện có 85 con trâu, 1.592 con bò. Buôn Chăm là địa phương có số lượng bò nhiều nhất (hơn 800 con), 70% số hộ ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi bò, trong đó nhà nuôi nhiều nhất là 50 con, hộ ít cũng từ 3 con trở lên. Mỗi năm, các hộ chăn nuôi ở xã Ea Sol cung cấp ra thị trường tiêu thụ trong và ngoài huyện đến hàng trăm tấn thịt bò thương phẩm. Không ít gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các phương tiện sản xuất, sinh hoạt đắt tiền đều nhờ bán trâu, bò thịt; điển hình như các hộ Nguyễn Văn Sơn ở thôn 5, Ama Cum, Nay Thay ở buôn Chăm, A Drưng Y Rum, Kpa Y Méc ở buôn Điết… Bằng nguồn vốn tiết kiệm của gia đình và vay thêm Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, năm 2004 ông Ama Boai ở buôn Điết đã đầu tư gần 30 triệu đồng mua 2 con bò mẹ về nuôi với mong muốn thoát cảnh nghèo túng. Nhờ gia đình chịu khó chăn thả, thực hiện tốt việc phòng bệnh nên từ 2 con bò giống ban đầu, giờ đây Ama Boai đã có đàn bò 15 con dù đã nhiều lần xuất bán. Ama Boai chia sẻ: “Không riêng gì gia đình tôi, ở đây nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ nuôi bò. Con vật này dễ chăm, nguồn thức ăn hằng ngày dễ kiếm. Nếu có vốn, đầu ra ổn định, nuôi bò với số lượng lớn cũng dễ làm giàu”.

Chăn thả bò ngoài đồi hoang  ở xã Ea Sol.
Chăn thả bò ngoài đồi hoang ở xã Ea Sol.

Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế là một lẽ, còn phát huy lợi thế đó ra sao lại là chuyện khác. Thực tế cho thấy, phần lớn bà con nông dân xã Ea Sol còn chăn nuôi giống bò địa phương, tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, giá trị kinh tế không cao. Mặc khác, do hạn chế về kỹ thuật chăm sóc và quen với tập quán chăn thả tự nhiên ngoài đồi núi nên các hộ nuôi chưa chú trọng làm chuồng trại, trồng thêm cỏ làm thức ăn bổ sung cho bò và tiêm phòng dịch bệnh. Cũng do chưa chú ý làm chuồng trại, hộ có làm thì rất sơ sài, chỉ dựng bằng vài tấm ván, chăng dây kẽm gai xung quanh mà không lợp mái che phía trên nên khi có mưa lớn phân trâu, phân bò dễ thẩm thấu vào giếng nước, trôi vào nhà cửa, ra đường sá, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh cho chính hộ nuôi cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sol cho biết: “Mặc dù chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con nuôi trâu, bò thì phải làm chuồng song phần lớn hộ nuôi chưa thấy rõ tầm quan trọng, lợi ích nhiều mặt của việc làm chuồng, còn thả gia súc ngủ dưới gầm sàn nhà, gần giếng nước không có nắp đậy, ngoài vườn, vừa gây mất vệ sinh và vật nuôi dễ bị những tác động bất lợi của thời tiết, kẻ gian trộm cắp. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo đoàn thể, ban tự quản các buôn, thôn làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nông hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc, tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không gây ô nhiễm môi trường như trồng thêm cỏ làm thức ăn bổ sung đủ dưỡng chất cho trâu, bò; mạnh dạn chuyển đổi con giống chất lượng cao thay thế giống bò địa phương, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho hộ nuôi; tăng cường công tác thú y, biện pháp phòng chống dịch bệnh, chú trọng khâu chuồng trại, thu gom và xử lý kịp thời, đúng quy trình nguồn phân gia súc thải ra”.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc