Multimedia Đọc Báo in

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Nỗ lực vượt qua khó khăn

20:57, 27/02/2015

Tiểu thủ công nghiệp được xem là một trong những ngành nghề có nhiều triển vọng để phát triển nhất trên địa bàn tỉnh, thế nhưng những năm gần đây, các sản phẩm làm ra vẫn không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ lâm vào cảnh điêu đứng, thậm chí là phải ngừng hoạt động…

Khó khăn tìm đầu ra

Năm 2010, toàn tỉnh có trên 20 hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công và chế tác mỹ nghệ hoạt động khá sôi nổi. Điển hình như các HTX Mây tre đan Phú Thịnh (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak), HTX Mây tre lá Tiến Nam (huyện M’Drak), HTX Mây tre đan - Dệt thổ cẩm Ea Kao, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), HTX Dệt thổ cẩm Buôn Trinh (thị xã Buôn Hồ)… Thế nhưng đến nay, số lượng HTX tiểu thủ công nghiệp còn hoạt động khá ít ỏi với khoảng 10 đơn vị. Ông Đỗ Văn Mậu, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Phú Thịnh cho biết: Nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm mây tre đan trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, nhất là ở các huyện Ea Kar, M’Drak, Krông Bông… Song, các mặt hàng thủ công làm ra hiện không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên việc kinh doanh của đơn vị lâm vào cảnh rất khó khăn. Khoảng 5 năm trước đây, cơ sở của ông sản xuất mỗi năm hàng triệu sản phẩm với hàng chục mặt hàng như bàn ghế song mây, lẵng hoa, đèn ngủ… để bán ra thị trường. Vậy mà giờ đây, HTX chỉ sản xuất cầm chừng với những sản phẩm đơn giản như giỏ bình đựng trà và giỏ đựng bình rượu cần, chuông gió với số lượng mỗi năm chẳng đáng là bao. Tương tự, nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp khác cũng đang “chết dần” do không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) duy trì hoạt động,               tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Dù không ảm đạm như các sản phẩm thủ công, nhưng nhiều mặt hàng gỗ, đá mỹ nghệ cũng đang “bí” đầu ra, nhất là thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu. Cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại xuất khẩu ra nước ngoài gần như không có. Kênh quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hiện nay của các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh chủ yếu thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong tỉnh, hoặc ký gửi giới thiệu ở các cửa hàng, hội chợ tỉnh khác, song số lượng khá ít. Mặc dù sản phẩm gỗ mỹ nghệ của tỉnh khá tinh xảo, chất lượng gỗ tương đối tốt từ tượng, tranh tứ quý, đến các linh vật, hay các tác phẩm nghệ thuật như tranh chạm khắc, bình phong… nhưng chủ yếu vẫn là bán lẻ ở các cửa hàng và các mối quen trong tỉnh. Ông Trần Anh Thông, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Thời gian gần đây, việc kinh doanh mặt hàng gỗ, đá mỹ nghệ ế ẩm hơn nhiều, ngay cả thời điểm vào dịp Tết Nguyên đán như hiện nay sản phẩm cũng chẳng bán được là bao. Hơn nữa, khách hàng ngày càng khó tính, đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và độc đáo.

Những nỗ lực tìm hướng đi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh khó tìm đầu ra. Ngoài nguyên nhân khách quan từ tình hình kinh tế bị suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu thì những hạn chế nội tại của các sản phẩm nghề thủ công, mặt hàng mỹ nghệ cũng thể hiện rất rõ, đó là máy móc sản xuất lạc hậu, sản phẩm làm ra chưa phong phú và đa dạng, thậm chí còn phổ biến hiện tượng “sao chép”, chắp vá; kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.

Công nhân làm nghề thủ công tại HTX mây tre đan Phú Thịnh (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak).
Công nhân làm nghề thủ công tại HTX mây tre đan Phú Thịnh (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak).

Thời gian qua một số HTX nghề thủ công và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ đã tự mày mò tìm hướng đi mới cho sản phẩm của mình. Điển hình phải kể đến HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), HTX Mây tre lá Tiến Nam (huyện M’Drak). Bên cạnh việc giới thiệu, bán sản phẩm qua các hội chợ triển lãm, điểm bán hàng lưu niệm, hàng mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh, các đơn vị này còn liên kết với một số doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan quy trình sản xuất và mua sắm sản phẩm thủ công làm kỷ niệm; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp khác, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ vốn vay và quảng bá thông tin sản phẩm ra thị trường. Từ những cố gắng nỗ lực và sáng tạo không ngừng, các HTX nói trên không chỉ đã duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương mà hằng năm còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15- 20 lao động địa phương/cơ sở. Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ, đá mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây cũng tăng cường quảng bá sản phẩm trên các Website, báo chí để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Qua đó, nhiều sản phẩm mỹ nghệ chế tác tinh xảo, độc đáo,  được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích và tìm đến mua…

Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo trưng bày nhiều tháng nay của một cửa hàng mỹ nghệ tại thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) vẫn vắng khách.
Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo trưng bày nhiều tháng nay của một cửa hàng mỹ nghệ tại thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) vẫn vắng khách.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đơn vị thành viên, trong đó có HTX tiểu thủ công nghiệp. Hằng năm, Liên minh HTX đã phối hợp với các sở, ngành chức năng trong tỉnh triển khai từ 4 - 5 lớp tập huấn đào tạo, nâng cao tay nghề thủ công cho các thành viên HTX; triển khai 2 - 3 lớp bồi dưỡng về năng lực quản lý, điều hành HTX cho nhiều cán bộ đơn vị thành viên và hỗ trợ vốn vay ưu đãi để các HTX tiểu thủ công nghiệp đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm… Từ đó đã góp phần không nhỏ để giúp các doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, phát triển kinh doanh thì các HTX, cơ sở sản xuất mặt hàng này cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm mang nét độc đáo riêng của vùng miền gắn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, bản thân người đứng đầu HTX, doanh nghiệp phải năng động hơn trong việc tìm kiếm đối tác, giới thiệu các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của tỉnh ra các tỉnh bạn và nước ngoài... Có như vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ mới phát triển bền vững, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.