Multimedia Đọc Báo in

Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Đắk Lắk chiếm 50% tổng ca bệnh của toàn vùng Tây Nguyên

16:53, 28/08/2019

Trong 2 ngày 27 và 28-8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thạc sĩ Lê Thanh Hiền, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh về công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH).

Theo báo cáo của ngành Y tế tại buổi làm việc với Đoàn công tác, tính từ đầu năm đến ngày 27-8, toàn tỉnh ghi nhận hơn 13.600 ca bệnh SXH, tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc ghi nhận tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Đắk Lắk cũng là địa phương có số ca bệnh SXH chiếm 50% tổng ca bệnh của toàn vùng Tây Nguyên. Ngoài nguyên nhân về thời tiết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số ca SXH tăng mạnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do ý thức của một bộ phận người dân trong việc tự diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi và phối hợp với ngành y tế trong quá trình xử lý hoá chất còn hạn chế, trong khi lực lượng cán bộ y tế còn mỏng; sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể chưa thực sự hiệu quả.

Thạc
Thạc sĩ Lê Thanh Hiền, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh.

 Để phòng chống dịch bệnh SXH, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã trích kinh phí hơn 4 tỷ đồng để mua hóa chất, vật tư y tế cho các địa phương phòng chống dịch. Ngành y tế cũng đã tăng cường công tác truyền thông; điều tra giám sát xử lý ổ dịch, giám sát dịch tễ chặt chẽ; phun hóa chất chủ động và diện rộng phòng chống SXH tại những nơi có số mắc cao và nguy cơ bùng phát thành dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, thực hiện công tác thu dung điều trị người bệnh theo đúng hướng dẫn, chẩn đoán của Bộ Y tế…

Đoàn công tác và
Đoàn công tác và ngành Y tế kiểm tra công tác thu dung, phân luồng, điều trị bệnh nhân SXH tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Từ kết quả kiểm tra thực tế và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh, Thạc sĩ Lê Thanh Hiền, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng, để công tác phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả, tỉnh phải xem chiến dịch phòng chống SXH là nhiệm vụ của toàn xã hội với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và sự chủ động tích cực của người dân, nếu chỉ đơn độc ngành Y tế căng mình ra để phòng, chống dịch thì không thể mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời, ngành Y tế cũng phải định hướng lại cách thức truyền thông, sáng tạo hơn nữa trong phương pháp tuyên truyền, nội dung tuyên truyền thiết thực nhưng phải phù hợp để người dân hiểu và thực hiện.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc, Đoàn công tác đã đến kiểm tra hoạt động phòng chống SXH tại TP. Buôn Ma Thuột; khảo sát công tác thu dung, phân luồng, điều trị, giám sát bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.