Multimedia Đọc Báo in

Để có những công chúa và hoàng tử đọc sách...

08:35, 22/04/2024

Bao nhiêu năm rồi, mặc dù báo chí lên tiếng nhiều, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến đọc, nhưng tỷ lệ đọc sách của người Việt vẫn ở mức báo động.

Vào Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nơi nơi đều tọa đàm, diễn thuyết, thi thố rầm rộ, song sau đó thì mọi việc vẫn như cũ, số người đọc sách vẫn không tăng lên, bệnh lười đọc vẫn không chữa trị được.

Một dân tộc vốn rất trọng tri thức, trọng chữ nghĩa, trọng bằng cấp mà lại ít đọc sách thì kể cũng lạ.

Điều đó chứng tỏ chúng ta đang theo đuổi một thứ sở học thực dụng mà không chú trọng vun đắp cho tâm hồn. Lỗi này từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta lười đọc sách: Do có nhiều phương tiện giải trí khác hấp dẫn hơn, do chương trình giáo dục ở trường quá nặng, do phụ huynh cho con em học thêm quá nhiều, do chương trình và phương pháp dạy học không đòi hỏi mở rộng tri thức, kích thích sáng tạo…

Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là do người lớn không làm gương. Thầy cô, cha mẹ không đọc sách thì sẽ dẫn đến trẻ em không đọc sách.

Nhiều thế hệ không đọc sách sẽ dẫn đến một dân tộc không đọc sách. Trong khi, sách là kho tàng tri thức, là túi khôn của nhân loại; sách khơi nguồn trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn, “mở sách mở tương lai”.

Ảnh minh họa: Thúy An
Ảnh minh họa: Thúy An

Nhiều gia đình Việt hiện nay không dành chỗ cho sách trong đời sống của mình. Nhiều cha mẹ chưa chú trọng xây dựng tủ sách gia đình.

Thư viện ở trường học thì ít được đầu tư, số lượng sách chưa phong phú. Người ta cũng không còn giữ văn hóa lấy sách làm quà như ngày trước.

Bây giờ, mỗi dịp sinh nhật, trẻ con sẽ được tặng đồ ăn thức uống và đủ loại đồ chơi; muốn tặng quà kỷ niệm, các bạn trẻ và cả người lớn cũng chọn đủ thứ quà tặng vật chất. Mặt hàng quà tặng rất nhiều, rất phong phú và phù hợp với chủ nghĩa tiêu dùng đang chiếm thế thượng phong, nhưng hầu như sách ít có trong khái niệm quà tặng của mọi người, mọi giới, mọi thành phần, mọi lứa tuổi.

Người Do Thái cho trẻ em làm quen với sách từ khi chưa biết nói. Cha mẹ thường đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ. Khi đứa trẻ mới biết bò, họ đã nhỏ một giọt mật ong lên trang sách cho đứa bé nếm. Vậy là, bé đã nhận được vị ngọt ngào từ sách ngay thuở ấu nhi.

Tình yêu và sự quý trọng sách cứ lớn dần lên theo năm tháng, khiến sách trở thành người bạn chung thủy, trở thành tài sản, di sản trong mỗi gia đình và dòng tộc. Vì thế, người ta nói rằng, khi chẳng may bị cháy nhà, được phép cứu một thứ gì đó, người Do Thái sẽ cứu sách. Thậm chí khi chết đi, trên mộ của người Do Thái cũng có sách.

Người phương Tây, người Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ có thói quen “đọc đứng”. Nghĩa là “đọc tranh thủ” trong lúc chờ tàu xe, đứng trên tàu điện hoặc xe buýt. Vậy thì, việc đọc sách hay không sẽ không phụ thuộc vào thời gian rảnh rỗi hay bận bịu của mỗi người.

Đó là văn hóa – văn hóa sách – văn hóa đọc của mỗi quốc gia. Tại các nhà ga, bến tàu xe, hiếm hoi lắm mới có thể nhìn thấy một vài người Việt đọc sách. Còn lại, tuyệt đại đa số sẽ trò chuyện ồn ào, ăn uống sôi nổi đến mức ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Hoặc sẽ chăm chú xem điện thoại. So với người nước ngoài trong cùng hoàn cảnh đó, người Việt chúng ta không biết chờ đợi với sách, tìm sự bình yên và thanh thản với sách, giết thời gian cùng sách. Đó cũng là một điều đáng tiếc!

Ở nước Đức, nhiều trường học tổ chức cho học sinh đọc sách và tổng kết vào cuối tuần.

Đọc xong mỗi cuốn sách, các em sẽ trình bày cảm nhận của mình trước cả lớp. Thầy cô và các bạn sẽ bình chọn. Bạn nữ được giải nhất sẽ được phong là “công chúa đọc sách”, bạn nam thì được phong là “hoàng tử đọc sách”.

Mà, đã là trẻ con, ai chẳng mong được trở thành công chúa, hoàng tử trong mắt người khác. Vì vậy, việc đọc không còn là một nhiệm vụ hay bài tập nữa, mà đã trở thành thú vui đối với học sinh.

Ở Brazil, tù nhân có bốn ngày để đọc một quyển sách và viết một bài tiểu luận trình bày cảm nhận của mình về tác phẩm mà họ đã đọc. Nếu bài viết đạt kết quả tốt, nếu hoạt động đọc sách được duy trì có hiệu quả, mỗi năm, một tù nhân có thể được giảm án 48 ngày.

Đến bao giờ thì trẻ em của chúng ta mong muốn trở thành những công chúa và hoàng tử đọc sách? Đến bao giờ việc đọc sách trở thành động lực để hoàn lương cho mỗi con người?

Đến bao giờ sách trở thành quà tặng và phần thưởng trong gia đình và trường học?

Câu trả lời, xin được mong chờ ở các bậc cha mẹ và thầy cô.

Bởi vì, chính họ là nhân tố quyết định sự khởi đầu cho những công dân đọc sách.

Chính họ sẽ tạo ra những công chúa và hoàng tử đọc sách.

Nguyễn Thị Tịnh Thy


Ý kiến bạn đọc