Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Kỳ 1)

09:52, 14/02/2020

Hỏi: Ngoài việc cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn ra thì Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn cấm những hành vi nào nữa không?

 Trả lời: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã góp phần giảm thiểu các vụ việc tai nạn giao thông do uống, rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia không chỉ cấm đối với mỗi hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn mà tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có cấm tất cả là 13 hành vi, cụ thể gồm:

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

Cảnh sát giao thông tỉnh
Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra nồng độ cồn  trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ. 

13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Hỏi: Tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định người điều khiển xe xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền tối đa là 3 triệu đồng và tước Bằng lái xe từ 10 - 12 tháng, kể cả người đi xe đạp uống rượu bia, cũng bị phạt tiền với mức tối đa lên tới 800.000 đồng. Trong khi đó, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: Nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Như vậy, có phải Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không hề cấm đối với người đi xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở? Có khi nào Nghị định 100 và Luật Giao thông đường bộ “vênh nhau” hay không?

Trả lời: Thực tế Nghị định 100/2019/NĐ-CP không hề “vênh” với Luật Giao thông đường bộ bởi tại khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008, cụ thể là: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, quy định về nồng độ cồn tại Luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Điều đó có nghĩa quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ (sau khi đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia).

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Diễm Hằng (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.