Multimedia Đọc Báo in

Bài toán khó trong xử lý ô nhiễm môi trường vùng nông thôn

12:38, 09/11/2016

Ô nhiễm môi trường đang là bài toán nan giải ở nhiều vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều hộ dân buôn B, xã Dang Kang (huyện Krông Bông) vẫn có thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên gia đình. Với khoảng đất trống xung quanh nhà khá lớn nên nhiều hộ đã tận dụng để phát triển việc chăn nuôi heo, gà, bò… Do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại cộng với thói quen, tập quán nên hầu hết gia súc đều thả rông hoặc nhốt dưới gầm sàn nhà. Gia đình ông Y Mok nuôi hơn 10 con trâu và bò, hằng ngày thả ngoài đồng, đến tối thì lùa về nhốt trong chuồng làm ngay cạnh nhà ở. Gia đình ông Y Grôk (buôn Dang Kang) cũng làm chuồng sơ sài ngay gần nhà ở để nhốt 2 con bò nên trong nhà luôn có mùi hôi thối…

Chăn nuôi gia súc thả rông trên địa bàn huyện Lắk.
Chăn nuôi gia súc thả rông trên địa bàn huyện Lắk.

Buôn Kodung B, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) có hơn 200 hộ dân thì gần 80% số hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh. Hộ thì đào hố đất rồi dùng những tấm bạt cũ vây thành nhà tắm, nhà tiêu, hộ thì vô tư xả thải ra vườn, nương rẫy quanh nhà. Lý giải nguyên nhân, hầu hết họ đều đổ cho cái nghèo, kinh tế khó khăn. Thực ra, nguyên nhân chính vẫn là do thói quen, mặt khác người dân chưa nhận thức đầy đủ về việc ô nhiễm môi trường sống do phóng uế bừa bãi gây ra. Vì thế có những gia đình có đủ khả năng tài chính nhưng vẫn không quan tâm, đầu tư làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Để bảo đảm vệ sinh môi trường ở vùng nông thôn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, biện pháp trước mắt là chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động các gia đình không chăn nuôi thả rông, dưới gầm sàn nhà; không vứt rác bừa bãi; khuyến khích xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh và hệ thống hầm biogas để tận dụng nguồn phân gia súc…

 

 

Ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh.

 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trong tỉnh đạt trên 73%, còn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đạt gần 40%. Đặc biệt, một số xã tỷ lệ hộ gia đình người dân tộc thiểu số có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt rất thấp (dưới 10%) như xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc), Cư Pui, Hòa Phong (Krông Bông), Cư M’lan, Ya Lốp (Ea Súp), xã Ea Sol (Ea H’leo)…

Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý rác thải ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng chưa được quan tâm. Việc mỗi tháng bỏ ra từ 10.000 - 15.000 đồng để thực hiện hợp đồng thu gom, xử lý rác thải không được mọi người đồng tình ủng hộ, mà đưa cam kết là sẽ đốt, chôn lấp rác thải ở đất vườn, nương rẫy. Trên thực tế, không ít hộ lại lợi dụng những đoạn đường, khu vực ít người sinh sống, qua lại để vứt rác gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Trong khi nhiều địa phương do còn khó khăn, chưa thể giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ việc hỗ trợ kinh phí thu gom rác thải đến xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi xa khu dân cư thì biện pháp cấp bách trước mắt là phải nâng cao nhận thức về môi trường sống cho người dân. Bên cạnh đó cũng phải có biện pháp xử lý nghiêm những cá nhân và gia đình tái phạm nhiều lần. Có như vậy, mới từng bước cải thiện được môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.  

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc