Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội ánh sáng ở xứ Chùa Vàng

09:16, 24/11/2020

Phật giáo có lịch sử lâu đời hơn 2.500 năm tại Myanmar - đất nước mà đạo Phật giáo là quốc giáo. Người dân Myanmar đa số theo Phật giáo tiểu thừa.

Đền tháp là nét kiến trúc Phật giáo chung ở đây, là một phần văn hóa đặc sắc của Myanmar. Tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đối với người dân Myanmar, cuộc sống của họ gắn liền với các nghi lễ Phật giáo.

Lễ hội ánh sáng hay còn gọi là Lễ hội khinh khí cầu lửa là lễ hội Phật giáo lớn thứ hai ở Myanmar (sau Lễ hội té nước). Lễ hội diễn ra vào ngày trăng tròn của lịch Myanmar, vào tháng 11 hằng năm ở thành phố Taunggyi, tỉnh Tazaundairy, tiểu bang Shan (Myanmar). 

Lễ hội khinh khí cầu lửa kéo dài liên tục trong khoảng một tuần. Người ta tập trung tại chùa hoặc một khu đất thoáng rộng để đốt khinh khí cầu thả lên trời vào ban đêm hoặc ban ngày. Khinh khí cầu được làm từ các loại giấy truyền thống của người Shan, loại giấy này mỏng và dai được làm thủ công bằng vỏ cây dâu tằm. Có hai loại khinh khí cầu được thả lên bầu trời: loại treo dàn kết nối các loại đèn cầy thắp sáng và loại treo dàn kết nối các loại pháo hoa. Mỗi loại khinh khí cầu có vẻ đẹp riêng. Loại treo đèn cầy tạo đường nét, hình khối, bức tranh vẽ bằng ánh sáng hình Đức Phật, hoa lá, chim thú rất đẹp mắt. Loại khinh khí cầu có treo giàn pháo hoa phía dưới chính là “linh hồn” làm nên dấu ấn của Lễ hội ánh sáng. Khi khinh khí cầu vừa rời khỏi mặt đất, người ta bắt đầu đốt pháo hoa. Khinh khí cầu bay lơ lửng trên không thì pháo hoa phát cháy, tạo nên những tiếng nổ vang trời và những chùm tia sáng đầy màu sắc lung linh, rực rỡ và đẹp mắt.

Những cây nến được gắn hoàn chỉnh vào phần đuôi của kinh khí cầu để chuẩn bị thả lên trời.
Những cây nến được gắn hoàn chỉnh vào phần đuôi của kinh khí cầu để chuẩn bị thả lên trời.

Lễ hội đốt đèn trời, thả khinh khí cầu ở thành phố Taunggyi, tiểu bang Shan là lễ hội sôi động, náo nhiệt, hấp dẫn nhất ở Myanmar. Đây là lễ hội truyền thống có sự kết hợp giữa âm nhạc, khinh khí cầu và ánh sáng. Đêm đến, mọi thứ mới thực sự bùng nổ khi những đoàn người tham gia lễ hội, nhất là các bạn trẻ từ khắp nơi đổ về đây nhảy múa, hò hét theo tiếng nhạc “heavy rock”. Khi khinh khí cầu vừa bay lên, pháo hoa nổ như hỏa tiễn phóng xuống mặt đất, người chạy toán loạn... Dù thoạt nhìn có vẻ rất bát nháo, hỗn độn, nhưng lại rất trật tự, không hề thấy bóng dáng của kẻ xấu trà trộn, lợi dụng móc túi, giựt dọc... Mọi người vui chơi hết mình, luôn hành xử đầy ý thức trước đám đông, không dùng chất kích thích, không đánh lộn, chửi bới nhau...

Lễ hội pháo hoa và khinh khí cầu ở Taunggyi được mệnh danh là một trong những lễ hội nguy hiểm nhất châu Á vì nguy cơ gây tai nạn cho người phía dưới do ngọn lửa khinh khí cầu. Do đó, luôn có một đội cứu hỏa đông đảo thường trực, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Vào ban ngày, người dân thị trấn Taunggyi tham gia các đoàn diễu hành. Họ tập kết ở chùa nhảy múa, hát hò và đốt đèn trời, thả khinh khí cầu. Khinh khí cầu được thả lên trời tượng trưng cho những món quà quý gửi đến Đức Phật. Ở các trường học, học sinh cũng thả khinh khí cầu hình con thú, màu sắc sặc sỡ và vui mắt, được làm từ nilon. Giải thưởng sẽ trao cho đội có khinh khí cầu đẹp nhất.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.