Multimedia Đọc Báo in

Kẹo gương Thu Xà

16:16, 07/08/2011

Du khách đã có dịp đến thăm Quảng Ngãi và đã từng thưởng thức qua các loại đường ngon nổi tiếng như đường phổi, đường phèn, mạch nha nhưng chưa thưởng thức món kẹo gương thì kể như chưa hưởng trọn vẹn hương vị ngọt ngào của các loại đường, kẹo Quảng Ngãi.

Kẹo gương xuất xứ từ thị trấn Thu Xà, cách thị xã Quảng Ngãi chừng 10 km về hướng đông. Có câu chuyện lưu truyền rằng tên thật của loại kẹo gương nổi tiếng kia có nguồn gốc bên Triều Châu, Trung Quốc được du nhập vào Thu Xà vào thể kỷ 17, gọi là “Kia Thứng” hay “Pô Lý Thứng”: Kẹo gương từng được vua Lê Trang Tông thời nhà Lê Trung Hưng dùng nó làm món tráng miệng trong triều nội.

Tại Quảng Ngãi, nghề làm kẹo gương được phổ biến khắp nơi nhưng chỉ có kẹo gương sản xuất tại Thu Xà mới có giá trị đặc biệt và đã đi vào ca dao Quảng Ngãi như một thứ đặc sản tiêu biểu cho địa phương:

“Chim mía Xuân Phổ
Cá bống sông Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Mộ Đức”

Kẹo gương được làm từ đường cát trắng, mạch nha, mỡ heo, mè và đậu phụng. Thông thường để có 10 ký kẹo thì phải dùng đến 3 ký đường cát, 3 ký đậu phụng, 200 gam mạch nha, 100 gam mỡ heo và một trái chanh tươi.

 
Người ta dùng chiếc chảo gang lớn đặt lên bếp lò xây bằng gạch vững chắc được đốt lửa cho cao ngọn. Trong chảo chứa đường cát đã “xênh” kỹ cùng với mạch nha và mỡ. Khi nấu phải vớt hết bọt để loại bỏ tạp chất và khuấy cho thật đều tay để đường khỏi bị sít cháy. “Xênh” đường là khâu quan trọng nhất, nếu để đường già lửa sẽ bị ngả màu và lại cát, còn nếu để đường non thì khi làm kẹo không có độ cứng giòn. Lúc đường sôi đạt đến 1020C mới có thể làm kẹo được. Trường hợp đường sôi quá phải dùng đến nước chanh tươi để khống chế.

Đậu phụng và mè (vừng) được chuẩn bị sẵn từ trước. Đậu phụng phải chọn loại già, đều hạt, rang không để vàng mà phải chín trắng, khiến cho kẹo vừa ngon, vừa đẹp. Còn mè cũng rang có màu chín trắng và sảy cho sạch vỏ. Người thợ dùng đậu phụng rang sẵn bỏ vào chảo đường đang sôi trộn đều. Đoạn, người thợ đổ chảo đường ra tấm tôn lớn đã trải sẵn lớp mè hạt rồi dùng tay kéo nhẹ, kéo nhẹ một cách thật khéo léo nhưng cũng rất nhanh nhẹn và đều tay. Vì nếu để chậm một chút thì kẹo sẽ nguội và đóng thành từng khối. Bấy giờ người thợ mới dùng con dao thật bén nhọn, cắt ra từng mẩu nhỏ hình vuông hay hình chữ nhật một cách lẹ làng, đoạn sắp vào chiếc hộp giấy đậy kín chở đi tiêu thụ các nơi.

Kẹo gương tuy ngon nhưng không để lâu được, nếu để quá 10 ngày kẹo sẽ có vị chua và mất đi hương vị thơm ngon ban đầu. Kẹo gương tuy rẻ tiền nhưng rất có giá trị. Miếng kẹo trong suốt như pha lê, giòn, có vị ngọt thanh lẫn béo. Ăn kẹo gương dùng với nước trà ngon thì tuyệt.

Du khách đến thăm Quảng Ngãi, khi ra về đều tìm mua kẹo gương để sau về làm quà cho người thân và được các cô bán hàng chào mời “ngọt” như đường.

Ai về Quảng Ngãi quê ta
Mía ngon đường cát trắng ngà dễ ăn
Mạch nha đường phổi đường phèn
Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại ghiền!
(Ca dao Quảng Ngãi)
Côn Giang

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.