Multimedia Đọc Báo in

Bắt cá dưới chân thác Dray Nur

16:12, 07/08/2011

Dưới chân thác Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) thơ mộng, hùng vĩ, hàng ngày, nhiều người dân các nơi tìm đến thả câu và quăng chài bắt cá. Có người làm nghề kiếm thêm thu nhập cho gia đình, có người chỉ đơn giản tìm thú vui…

Trước đây, thác Dray Nur rất nhiều nước, chân thác rộng, cá nhiều, trong đó, có cả cá lăng, cá chình to đến hơn chục kg, là nguồn sống chủ yếu của bà con xung quanh vùng này. Những năm gần đây, thác cạn nước hơn, cá cũng ít đi, nhưng đánh cá dưới chân thác vẫn là nghề mưu sinh của nhiều người. Dịp hè này, một số em học sinh ở gần thác cũng tranh thủ mang chài đi đánh cá để cải thiện bữa cơm gia đình hay kiếm ít tiền mua sách chuẩn bị cho năm học mới.

Cách chân thác chừng hơn 100 m, ama Vôn và em rể là ama Nguôm (xã Tâm Thắng – Cư Jut – Dak Nông) đang thay nhau quăng chài. Những khi công việc nương rẫy rảnh rỗi, hai anh em họ lại đến đây đánh cá để kiếm thêm tiền nuôi gia đình. Làm nghề này nhiều năm nay, với kinh nghiệm tích lũy được, ama Vôn chỉ cần nhìn mặt nước chảy là biết chỗ nào có nhiều cá để quăng chài. Nước ở dưới chân thác xoáy và chảy mạnh nên họ phải dùng loại lưới có những cục chì nặng mới bắt được cá. Nước sâu gần ngang ngực, sau khi quăng chài, ama Nguôm phải lặn xuống nước kéo và túm múi chài để không cho cá thoát ra ngoài. Chài của họ là loại nhỏ nên chỉ bắt được cá nhỏ, nhưng phải quăng chài thật đều và chìm nhanh để giữ cá không bị nước cuốn đi. Quăng được khoảng 10 mẻ chài, giỏ cá của ama Vôn được 2 con cá to gần bằng bàn tay và một ít cá nhỏ, mang bán cho một nhóm khách đi chơi thác, hai người lại tiếp tục quăng chài. Ama Vôn cho biết, ngày được nhiều thì sau khi bán cho khách tại chỗ, họ còn mang về được hơn 10 kg cá đem ra chợ bán, kiếm được 300 – 400.000 đồng mỗi người.

Quăng chài dưới chân thác.
Quăng chài dưới chân thác.
Trong khi đó, phía cuối chân thác là khu vực dành cho những người đi câu cá – chủ yếu là để tìm thú vui - Vào dịp cuối tuần, 4 người trong nhóm câu của anh Trần Quang Mạnh (thôn 12, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) lại mang theo đồ nghề, mỗi người 2 cần câu đến thác câu cá giải trí. Theo kinh nghiệm của anh Mạnh: để câu được cá ở đây, đặc biệt là cá lăng thì phải chọn chỗ nước sâu, xoáy, thả lưỡi câu sát với những phiến đá để tránh dòng nước mạnh, đồng thời, phải dùng mồi bằng giun đất còn sống, gắn thêm một viên đá vào sợi cước để mồi câu chìm xuống. Sau một lúc thả mồi, cần câu của anh bị néo cong xuống nước, anh Mạnh mừng thầm vì đinh ninh sẽ được một con cá to nhưng khi giật thì hòn đá gắn vào dây cước bị kẹt giữa khe đá làm đứt dây, vuột mất con cá. Do lưỡi câu dễ bị mắc vào đá, nên khi đi câu, các thợ câu phải mang theo nhiều dây cước và lưỡi câu dự phòng. Trong khi đó, chị Lê Dung (cùng nhóm với anh Mạnh) thả câu cách đó không xa, phải chờ hơn tiếng đồng hồ mới giật được một con cá gần bằng cổ tay. Chị Dung reo lên vui sướng vì chị mới học câu cá hơn 1 tuần nay; và cả buổi câu đã làm đứt 3 dây cước. Người câu được nhiều cá nhất trong nhóm hôm nay là anh Phan Hoàng Hà, hàng xóm của anh Mạnh – một tay sát cá có tiếng ở Hòa Phú - nơi đây cũng nổi tiếng với nghề câu cá lăng trên sông Sêrêpôk. Trước đây, anh Hà thường đến khúc sông chảy qua rừng Yok Đôn để săn cá lăng, cá chình; bây giờ tuy đã gác câu, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn vào thác Dray Nur thả câu cho đỡ nhớ nghề. Cả buổi câu hôm ấy anh câu được 5 con cá, đủ cho cả nhóm được một bữa ăn thú vị với món cá chạch nướng, um.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hè ở quê
16:10, 07/08/2011
Hè ở quê
16:10, 07/08/2011
Sắc hoa Tulip
15:52, 07/08/2011
Sắc hoa Tulip
15:52, 07/08/2011