Multimedia Đọc Báo in

PGS.TS Trương Quốc Bình (Chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia)

Văn hóa Tây Nguyên là một bộ phận hữu cơ của Văn hóa Việt Nam và nhân loại

08:26, 06/08/2016

Do có vai trò, vị thế quan trọng nên việc ra sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là vấn đề cấp bách và thường xuyên đặt ra. PGS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH đã nhấn mạnh như vậy - và đã dành cho PV Báo Đắk Lắk cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này nhân dịp ông vào tham dự Hội thảo khoa học “Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên: Bảo tồn và phát huy các giá trị” được Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 7 vừa qua.

 • Nhìn nhận của PGS.TS về vùng đất giàu bản sắc này ra sao so với nơi khác?

Theo tôi, “Khái niệm Tây Nguyên” xét về các mặt dân tộc, văn hóa, xã hội, có thể cả lịch sử và địa lý… là rộng hơn vùng được quy định theo “địa lý hành chính” mà một số người đã dùng khái niệm là “khu vực Nam Trường Sơn”. Với ý nghĩa rộng về mặt không gian, có thể coi Tây Nguyên là một tiểu vùng, cùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hợp thành vùng Nam Trung bộ, thuộc Trung bộ Việt Nam. Tiểu vùng này có những mối liên hệ hữu cơ đặc biệt về kinh tế, xã hội và văn hóa ở khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Do những đặc điểm ấy mà Tây Nguyên chứa đựng kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên hết sức phong phú, đa dạng. Di sản văn hóa này không chỉ tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam – và là một bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại.

Tiêu biểu cho bản sắc văn hóa ở ở đây - như PGS.TS đã nói đến là gì?

Tiêu biểu trước hết vì đây là địa bàn phân bố và bảo giữ Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam được tôn vinh là Di sản Thế giới.

Như mọi người đã biết, theo Hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chủ nhân của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm 12 tộc người tại chỗ cư trú trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Tiếng nói của các tộc người này thuộc hai ngữ hệ lớn ở Đông Nam Á là Nam Á (Austroasian - gồm các tộc người đại diện nhóm Bana, Sê đăng, Hrê, K’ho, M’nông, Stiêng, Cơtu, Jẻ Triêng, Brâu, Rơmăm,  và Nam Đảo (Austronesian- bao gồm Jarai, Êđê, Raglai, Chăm, Churu). Ngoài ra, văn hóa cồng chiêng còn lan tỏa đến một số tộc người sống ở các tỉnh lân cận của miền Trung - Việt Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước.

Các tộc người thiểu số ở đây quan niệm rằng, cộng đồng của họ gồm hai nửa: nửa của con cháu đang sống ở trong các p’lei, bon, buôn ở phía Đông và nửa của tổ tiên đã chết nhưng vẫn bất tử  trong các nhà mồ ở phía Tây. Họ sống trong một không gian ấy cùng với sự bảo trợ, che chở của các vị thần linh - và âm thanh cồng chiêng chính là phương tiện giao tiếp, kết nối và thông đạt giữa con người với thế giới thần linh. Đối với họ mỗi cái cồng chiêng đều có một vị thần trú ngụ.

Tây Nguyên còn nổi tiếng với kho tàng văn học truyền miệng với nhiều thể loại phong phú, trong đó tiêu biểu nhất là kho tàng sử thi “sống” trong đời sống của các tộc người Tây Nguyên. Đây được coi là là vùng sử thi duy nhất ở Việt Nam và là vùng sử thi hiếm quý trên thế giới.

PGS.TS đánh giá thế nào về công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống ở đây?

Tôi biết thời gian qua, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đang từng bước phục dựng các lễ hội cồng chiêng, cũng như các lễ hội truyền thống đặc sắc khác như mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả, mừng sức khỏe và cầu mưa… Đồng thời đã tiến hành bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ và phổ biến nhiều tư liệu, khảo cứu có giá trị và các hiện vật đặc thù của văn hóa Tây Nguyên. Các tỉnh trong khu vực cũng đã tiến hành tổng kiểm kê số lượng cồng chiêng và mở nhiều lớp truyền dạy loại hình âm nhạc độc đáo này cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.        

Đặc biệt, sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005 và năm 2008 được tuyển chọn vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại, các ban ngành hữu quan, cơ quan quản lý văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên đã có những chủ trương xây dựng các đề án, đặt ra chương trình nghiên cứu tập trung, cụ thể gồm ba nhóm việc: Sưu tầm và nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy, Truyền dạy và quảng bá giá trị di sản này.

Các phần việc trên đặt ra các hành động cho từng giai đoạn cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng phù hợp với tiềm lực, vật lực và nhân lực của các tỉnh ở Tây Nguyên. Những năm qua, việc thực hiện các dự án này đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ.

Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu không thể phủ nhận nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên, thì nhìn chung - đời sống văn hóa của bà con các tộc người thiểu số tại đây cũng đã và đang đặt ra những vấn đề bức xúc cần quan tâm, giải quyết. Về cơ bản, cùng với thay đổi môi trường sống - từ xã hội bộ tộc sang xã hội hiện đại, sự phân hóa giàu nghèo về kinh tế càng tác động dữ dội đến đời sống văn hóa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Theo đó, rừng bị tàn phá nhanh cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở đây. Nói thật lòng là bản sắc văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên đang suy giảm nghiêm trọng. Các giá trị văn hóa vật thể độc đáo, cũng mất dần: nhà cửa, trang phục hoặc đơn giản hóa hoặc mô phỏng theo miền xuôi.

Vậy giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề trên là gì, thưa PGS.TS?

Phải thừa nhận rằng, bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn chưa nhận được sự cải thiện nhiều về đời sống vật chất lẫn tinh thần so với mong muốn của Đảng, Nhà nước. Sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần làm nảy sinh hàng loạt những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, dựa trên nền tảng truyền thống.

Theo tôi, giải pháp chiến lược để phát triển Tây Nguyên phải đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên trong sự tồn tại và phát triển bền vững. Đối với khu vực Tây Nguyên, tiêu chí phát triển không phải là thu nhập được tính theo đầu người, mà nên chú ý mức độ hài lòng của người dân được sống ổn định và yên tâm trong không gian tự nhiên và vốn văn hóa của mình.

     Phương Đình (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.