Multimedia Đọc Báo in

Thăm những vùng đất trường thọ nhất hành tinh

15:03, 06/01/2018

Dưới đây là những địa danh khá đặc biệt, nơi con người có sức khỏe và sống trường thọ hơn hẳn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới…

Đảo trường thọ Ikara của Hy Lạp

Ở đảo Ikara (Hy Lạp), cứ 3 người thì có 1 người có tuổi thọ trên 90. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư hay tim mạch rất thấp, ít người bị trầm cảm hay lú lẫn tuổi già. Hòn đảo này là nơi có khí hậu ôn hòa, trong lành, người dân ưa hoạt động thể chất. Ikara nằm ở phía đông Địa Trung Hải, có diện tích khoảng 256 km2, cách Thổ Nhĩ Kỳ gần 50 km; tên hòn đảo được đặt theo Icarus, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.

Tác giả Dan Buettner, người có nhiều năm sống trên đảo Ikara gần đây đã công bố nghiên cứu có tên “Secrets of long life” đề cập tới bí quyết trường thọ của người dân trên hòn đảo này. Theo tác giả, bí quyết khỏe mạnh và trường thọ của người Ikara là dùng thực phẩm “cây nhà lá vườn” và duy trì những giấc ngủ ngắn trong ngày. Tuy nhiên, có người chẳng kiêng thứ gì như cụ bà 100 tuổi Evangelia Karnava tiết lộ cụ rất khoái Coca-cola, khoai tây, sữa dê nhưng ít ăn thịt và đồ ngọt. Còn cụ ông Gregoris Tsahas, thọ 100 tuổi, cho hay mỗi ngày cụ hút tới 20 điếu thuốc lá trong suốt 70 năm. Các nhà khoa học phát hiện thấy ở Ikara người già thường sống chung với con cái, và cảm thấy xấu hổ khi phải vào trại dưỡng lão. Đặc biệt, người Ikara ăn nhiều đậu và dùng trà thảo dược. Quan trọng hơn, Ikara vẫn là một hòn đảo khá hoang vu, khí hậu trong lành và ít áp dụng lối sống hiện đại phương Tây.

Vùng đất không ai mắc bệnh ung thư

Bộ tộc Hunzas với khoảng 30.000 nhân khẩu sinh sống trong một thung lũng cao 3.000m so với mặt biển trên dãy Himalaya thuộc địa phận Pakistan, có chung biên giới với Kashmir, Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan. Thung lũng Hunza từng là một trong những sông băng khổng lồ, bên dưới là những tảng băng, suối ngầm.

Người dân bộ tộc Hunzas không hề biết đến stress là gì.
Người dân bộ tộc Hunzas không hề biết đến stress là gì.

Tại Hunza, người 100 tuổi mới được xem là “tuổi trưởng thành”, phụ nữ 80 tuổi trẻ như phụ nữ phương Tây tuổi 40, khoảng cách cha con có thể lên tới 90 năm. Tuổi thọ trung bình của người dân ở thung lũng này là 120, nhiều người 130 tuổi vẫn lao động bình thường, thậm chí có những người thọ tới 145 tuổi. Người Hunzas có sức khoẻ tốt là do cơ thể họ miễn nhiễm với những căn bệnh nan y như béo phì, tim mạch, tiểu đường và ung thư. Đặc biệt, người Hunzas có hệ tiêu hóa tốt, không mắc chứng suy nhược thần kinh hoặc loét dạ dày tá tràng, viêm ruột thừa, viêm đại tràng. Bí quyết giúp người Hunzas trường thọ là coi thức ăn là thuốc quý, giống như chế độ ăn kiêng mà Hippocrates, đại lương y Hy Lạp cổ đại vạch ra cách đây trên 2000 năm. Thay vì sống để ăn, người Hunza ăn để sống, ăn uống thanh đạm, hai bữa một ngày, bữa trưa và bữa tối; chú trọng đến những thực phẩm tự nhiên như hoa quả, rau, ngũ cốc, sữa, phô mai... Người Hunzas có con phổ biến sau tuổi 60,  thậm chí có thể dễ dàng thụ thai ngay cả ở độ tuổi từ 60 đến 90.

Theo nghiên cứu, quả mơ ở thung lũng Hunza được xem là “chìa khóa” giúp người Hunza không có bất kỳ khối u nào trong cơ thể.  Mỗi năm người Hunza dành từ 2 - 4 tháng không tiêu thụ bất cứ thứ gì ngoài nước ép chiết xuất từ mơ. Mơ là trái cây giàu Amygdalin (vitamin B17), hợp chất được biết đến là có khả năng chống ung thư rất tuyệt vời. Ngoài ra, người Hunza rất chăm chỉ, dậy từ lúc 5 giờ sáng và làm việc với tốc độ ổn định, tránh bị kiệt sức. Người Hunza còn duy trì 3 nguyên tắc: trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng theo cách tự nhiên, giống như cách động vật có vú nuôi con; dùng sản phẩm thiên nhiên như sữa, trứng, ngũ cốc, trái cây và rau cải; người Hunzas theo đạo Hồi, nơi rượu bị cấm nên việc dùng rượu là hãn hữu. So với những người Pakistan và Ấn Độ, người Hunza có làn da sáng hơn nhờ uống và tắm trong nước sông băng tinh khiết chảy trực tiếp từ trong các ngọn núi ra và dùng trà thảo dược có tên Tumuru pha với nước sôi sông băng, vừa giúp họ phòng bệnh lại có tác dụng làm cho làn da sáng đẹp.

Đảo trường thọ Sardinia, Italia

Sardegna là hòn đảo lớn thứ hai ở Địa Trung Hải, một vùng tự trị của Italia. Tên của hòn đảo bắt nguồn từ tên của Sardus, một vị thần thiên liêng của hòn đảo này. Người Sardinia tự hào về phong cảnh thiên nhiên, truyền thống văn hóa và chất lượng cuộc sống.

Theo tờ USA Today, số người đạt tuổi thọ trên 100 ở Sardinia rất cao, gấp  3 lần so với tỷ lệ trung bình tại Tây Âu. Theo thống kê, kỷ lục về tuổi thọ tại đảo Sardinia thuộc về một cụ ông sinh năm 1718 và mất năm 1842 (thọ 124 tuổi), thậm chí đến năm 110 tuổi, cụ ông này vẫn tái hôn. Kỷ lục hiện tại thuộc về cụ ông Zelinda Paglieno, người vừa bước sang tuổi 102 hồi tháng 10-2017. Nhiều nghiên cứu cho thấy bí quyết trường thọ của người dân ở đây là do thực phẩm tươi sống và sạch, khí hậu trong lành và do gen di truyền. Sản phẩm sạch của Sardinia rất phong phú như các chế phẩm từ sữa, các loại rau quả hay rượu vang được nuôi trồng, canh tác thủ công. Thực phẩm được sản xuất tại Sardinia có hàm lượng chất chống oxy hóa như flavonoid hay polyphenols (tốt cho tim mạch), cao hơn gấp 3 lần so với các sản phẩm thương mại cùng loại. Các giống nho dùng để sản xuất rượu vang, nhất là nho Cannonau có hàm lượng chất resveratrol cao, rất hữu ích cho sức khỏe tim mạch và là tác nhân chống ung thư rất tuyệt vời.

Khắc Hùng

(Dịch từ TC/SC/UTC/ECC)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.