Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học từ chương trình dạy học 2 buổi/ngày

08:40, 07/01/2017

Đắk Lắk là một trong 36 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai thực hiện chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP) từ năm học 2010-2011 nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục học sinh tiểu học; giúp các trường chuyển đổi từ dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học 2 buổi/ngày, trong đó ưu tiên nhóm học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Toàn tỉnh có 60 trường tiểu học, với 24.373 học sinh của 10 huyện, thành phố tham gia chương trình. Từ năm học 2010 đến 2016, các trường thụ hưởng chương trình đã được đầu tư kinh phí hơn 104 tỷ đồng nhằm củng cố, tăng cường cơ sở vật chất; hỗ trợ một phần bữa ăn trưa cho học sinh và các khoản chi phí liên quan tới việc tổ chức hoạt động giáo dục khi thực hiện dạy học cả ngày. Trong đó nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới hơn 97 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ hơn 5,7 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh gần 1,7 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Văn Chiêu, Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, lúc mới khởi động chương trình không có trường tiểu học nào tổ chức dạy học theo phương án 35 tiết/tuần (gọi tắt là T35), nhưng đến cuối năm học 2015-2016 có 39 trường thực hiện, chiếm 65% số trường tham gia SEQAP; các trường còn lại thực hiện theo phương án 30-33 tiết/tuần. Đạt được kết quả này là nhờ sự đầu tư của chương trình SEQAP, chính quyền các địa phương và sự tham gia tích cực, hiệu quả từ cộng đồng, phụ huynh học sinh giúp các trường bảo đảm về cơ sở vật chất như: xây dựng nhà đa năng, bếp ăn, công trình vệ sinh… Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho học sinh khó khăn là điều kiện quan trọng để tổ chức bán trú cho các em ở lại trường.

Giờ luyện chữ của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc).
Giờ luyện chữ của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc).

Huyện Ea H’leo có 6 trường tiểu học tham gia chương trình SEQAP. Thấy rõ sự cần thiết tổ chức dạy học cả ngày, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu cho chính quyền địa phương lồng ghép đầu tư cơ sở vật chất cho các trường tiểu học để thực hiện chuyển đổi dần dạy 30 tiết/tuần sang 35 tiết/tuần bằng cách dạy thêm buổi/tuần (6-9 buổi/tuần); chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày. Ông Quách Đình Bảo, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện cho biết, không chỉ có học sinh khó khăn được chương trình SEQAP hỗ trợ mới ăn trưa tại trường, một số phụ huynh đã đóng tiền để nhà trường nấu ăn hoặc đem cơm đến trường cho con được học cả ngày. Nhờ đó việc huy động trẻ trong độ tuổi tiểu học ra lớp luôn đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn dưới 0,15%; học sinh đi học chuyên cần hơn, nhất là buổi học thứ hai (tiết tăng cường).

Còn huyện Krông Năng có 5 trường tham gia chương trình SEQAP, đến nay cả 5 trường đều tổ chức dạy học 35 tiết/tuần, với 100% học sinh tham gia. Ông Nguyễn Xuân Bảy, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho hay, các trường tiểu học tham gia chương trình SEQAP đã triển khai dạy học cả ngày tại tất cả các điểm trường theo phương án linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương. Tổ chức, triển khai thực hiện tốt các hoạt động giáo dục trong thời gian buổi trưa, hoạt động thư viện và các loại hình câu lạc bộ tại trường nhằm giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất và một số kỹ năng cơ bản. Đáng ghi nhận, đến nay các trường tham gia chương trình SEQAP đều đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Ngoài tập trung dạy học bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, các trường tham gia chương trình SEQAP còn xây dựng kế hoạch dạy học buổi thứ 2 chủ yếu tập trung vào các nội dung: Củng cố kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt và môn Toán; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục an toàn giao thông, tổ chức các câu lạc bộ trong nhà trường như: Văn nghệ, thể dục thể thao, em yêu khoa học...

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, sau 7 năm thực hiện, chất lượng giáo dục toàn diện của các trường tiểu học thụ hưởng chương trình SEQAP nâng lên. Năm học 2010-2011 (đánh giá theo Thông tư 32/2009), tỷ lệ học sinh đạt loại Giỏi và Khá môn Tiếng Việt 49,27%, năm học 2013-2014 đạt 57,79%. Năm học 2014-2015, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 99,8%, thì năm học 2015-2016 tăng lên 99,93% (đánh giá theo Thông tư 30/2014).   


Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc