Multimedia Đọc Báo in

Học sinh tự quyết định con đường tương lai

10:13, 11/03/2016

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2016 đang đến gần. Cũng như những mùa thi trước, ngành Giáo dục, các tổ chức xã hội, gia đình luôn nỗ lực nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em.

Cùng con chọn trường

Buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn tổ chức tại Trường THPT Buôn Ma Thuột mới đây không chỉ thu hút sự quan tâm của các em HS mà còn có  nhiều phụ huynh tham gia. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trên con đường học vấn của con cái luôn có sự đồng hành của bố mẹ. Trước kỳ thi quan trọng này, bố mẹ muốn cùng con lựa chọn ngành nghề cho tương lai. Chị Võ Thị Đức (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), phụ huynh em Phan Anh Huy (lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Huy là con trai thứ 2 trong gia đình, từ nhỏ cháu đã thích ngành Công an, nhưng bố mẹ lại muốn con thi vào ngành Y Đa khoa. Ngoài lý do nếu hai anh em học cùng ngành (anh trai Huy đang là sinh viên năm 3 ngành Y Đa khoa Trường Đại học Tây Nguyên) sẽ dễ dàng hỗ trợ nhau trong học tập, thì học ngành Y không sợ thất nghiệp. Nếu không xin được việc làm ở bệnh viện công lập vẫn có thể tìm được việc làm ở một cơ sở y tế tư nhân”. Dù bố mẹ đã phân tích điểm nổi trội của ngành học để con có thêm cơ sở quyết định, nhưng Huy vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Vì vậy, chị Đức quyết định cùng con tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp với hy vọng qua sự tư vấn của các chuyên gia sẽ giúp gia đình chị “tháo gỡ” bài toán lựa chọn ngành học”.

Các em học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin về kỳ thi THPT quốc gia  và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.
Các em học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.

Tương tự, anh Lê Văn Minh, phụ huynh em Lê Gia Hưng (Trường THCS -THPT Đông Du) cũng mong muốn nắm bắt chính xác những thay đổi về kỳ thi, nhất là những điểm mới có lợi cho thí sinh để giúp con chọn trường, chọn nghề. Anh Minh cho biết: “Với những thay đổi của Bộ GD-ĐT, cơ hội đỗ đại học khá rộng mở với thí sinh. Điều này có nghĩa thí sinh không lo có thi đỗ đại học hay không, vấn đề là chọn ngành học, trường học nào để khi ra trường có việc làm. Chọn lựa không phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như: thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức… Bố mẹ là người đầu tiên tư vấn, ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành nghề tương lai của con, do đó tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ những thay đổi của Bộ GD-ĐT về kỳ thi này”.

Phải chọn đúng trường, đúng nghề học

Chỉ còn vài tháng nữa HS khối 12 sẽ trải qua kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, bên cạnh những HS đã có sự định hướng nghề nghiệp từ năm học đầu tiên của bậc học THPT thì vẫn còn không ít HS vẫn chưa xác định rõ ràng cho mình ngành học gì, trường nào. Dù đã được thầy cô giáo, chuyên gia tư vấn, khuyến cáo, song không hiếm HS “nhắm mắt” chọn đại một ngành học, trường học đăng ký dự thi, xét tuyển với suy nghĩ miễn đỗ ĐH, sau đó không lâu nhận ra “chọn sai nghề”. Trường hợp của SV Phạm Tấn Phát, lớp trung cấp nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên là một ví dụ. Phát tâm sự: “Từ năm học thứ 3, em đã biết mình học ngành cử nhân Chính trị là lựa chọn sai, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, em không thể bỏ học giữa chừng để thi lại ĐH, buộc lòng phải vừa đi làm, vừa đi học để cố gắng hoàn thành chương trình ĐH, sau đó quyết định học nghề. Giờ đây, nhìn các bạn cùng trang lứa thành công từ học nghề, em tiếc nuối khoảng thời gian 4 năm học ĐH và trách bản thân không căn nhắc, lựa chọn kỹ ngành nghề tương lai”.

Từ câu chuyện trên, thiết nghĩ các em HS chính là người quyết định trong việc chọn trường, chọn ngành học. Thầy cô, bố mẹ chỉ đưa ra những thông tin định hướng, mang tính chất tham khảo, vì các em mới là người biết năng lực, sở trường, sở thích… bản thân biết mình thích và phù hợp với ngành nghề nào. Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, để lựa chọn ngành học phù hợp, HS cần nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của bản thân. Bí quyết chọn ngành nghề thành công là “5 biết”: biết ước mơ, biết lập kế hoạch học tập, biết chọn lọc thông tin, biết điểm mạnh, yếu của bản thân và biết thay đổi để phát triển.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc