Multimedia Đọc Báo in

Một số rủi ro khi thanh toán bằng tiền ảo

09:24, 06/09/2020

Hoàn tiền 80% khi mua sắm bằng App MyAladdinz và những lợi nhuận lên đến 9 con số khi đầu tư"… là những lời quảng cáo “có cánh” khiến nhiều người bị mê hoặc. Thế nhưng, trên thực tế, kiếm tiền không dễ như vậy và đặc biệt với phương thức thanh toán mà tính thanh khoản của nó còn chưa được đảm bảo thì rủi ro là điều khó tránh khỏi.

Dưới góc độ pháp lý, ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh cụ thể, cho nên tiền ảo vẫn chưa được thừa nhận là phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Theo phương thức hoạt động của App MyAladdinz (gọi tắt là App), khách hàng khi tiêu dùng hoặc nạp tiền sẽ được tích điểm, rồi chuyển điểm sang Gem (tiền ảo), sau đó được quy đổi lại thành tiền. Vậy câu hỏi đặt ra là: Khách hàng có đang thực sự nhận được những lợi ích to lớn như lời quảng cáo hay đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu những rủi ro vì hám lợi và thiếu hiểu biết?

Chúng ta có thể lường trước những rủi ro như sau:

Rủi ro thứ nhất, số tiền ảo trong tài khoản ảo của khách hàng chỉ tăng lên khi họ bỏ càng nhiều tiền thật ra để mua sắm hoặc nạp trực tiếp vào tài khoản đó. Ban đầu khách hàng vẫn phải trả đủ 100% giá trị của sản phẩm bằng tiền thật, rồi mới được hoàn lại 80% giá trị bằng tiền ảo. Vậy là khách hàng đó đang dùng tài sản hữu hình, được Nhà nước công nhận và bảo vệ để đổi lấy một tài sản vô hình, không có gì để bảo đảm.

Rủi ro thứ hai, những hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng dùng tiền để mua chỉ gói gọn trong những thứ mà App này cung cấp hoặc làm trung gian. Dù đa dạng đến mấy thì những hàng hóa dịch vụ này vẫn sẽ hạn chế hơn so với thị trường chung bên ngoài. Điều này có nghĩa là khách hàng dù chi ra cùng một số tiền nhưng không được thoải mái lựa chọn những sản phẩm từ những nhà cung cấp mà mình thực sự mong muốn. Đó là chưa kể đến, liệu chất lượng của những sản phẩm kia có đảm bảo hay không?

Rủi ro thứ ba, khi App này đột nhiên biến mất hay bị đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định pháp luật về thương mại điện tử, cạnh tranh, thuế… thì những đồng tiền trong tài khoản ảo đó có còn sử dụng được hay không? Có thể thấy, rủi ro này hoàn toàn có thể xảy ra vì đây là đồng tiền không được Nhà nước bảo đảm thông qua các cơ sở pháp lý.

Rủi ro thứ tư, khách hàng thường đồng ý rất nhanh với các điều khoản về dịch vụ của bên cung cấp đưa ra. Giả sử các điều khoản đó đa phần có lợi cho nhà cung cấp thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi nếu không may có tranh chấp xảy ra.

Rủi ro thứ năm, nếu đến lúc giá trị của những đồng tiền ảo này bị giảm sút so với tiền thật thì chúng sẽ chẳng còn giá trị thanh toán như hiện tại nữa. Vì lúc đó, có thể xảy ra tình huống, khách hàng dù sở hữu một số tiền ảo nhất định nhưng không thể mua được một món hàng có giá tiền thật ngang bằng như thời điểm họ nạp tiền thật vào. Ví dụ: Giả sử hiện tại, 1.000 đồng tương ứng với 1 Gem nên chúng ta có thể dùng 100 Gem để mua 1 chiếc áo với giá thị trường 100.000 đồng. Nhưng khi giá trị quy đổi của Gem so với tiền mặt bị suy giảm, với 100 đồng tương ứng với 1 Gem thì chúng ta phải cần đến 1.000 Gem mới mua được chiếc áo kia.

Tóm lại, tiêu dùng hay đầu tư bằng tiền ảo không phải là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chúng ta nên ý thức rằng đó là hình thức chưa được pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện. Vì thế, việc tham gia và lôi kéo người khác cùng tham gia vì lòng tham trước mắt hay chưa tìm hiểu kỹ càng có thể đem đến những thiệt hại rất lớn cho chính mình và xã hội.

Đặng Công Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.