Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua lỗi lầm

09:20, 16/05/2017

Từng phạm sai lầm phải trả giá bằng 18 năm trong trại giam, khi trở về với cộng đồng, anh Nguyễn Văn Chung (tên thường gọi là Hải đen, trú thôn 9, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) bằng ý chí và nghị lực của mình đã vượt qua mặc cảm, tự ti để vươn lên làm lại cuộc đời…

Từng tham gia một băng nhóm trộm cắp liên tỉnh, đến năm 1993, anh Nguyễn Văn Chung bị bắt về tội trộm cắp tài sản, phải chịu mức án 12 năm tù. Ở tù chưa được bao lâu, anh lại vượt ngục, bị bắt lại và bị phạt tiếp 8 năm tù. Những ngày tháng thụ án trong tù, suy nghĩ về những sai lầm của mình, anh Chung vô cùng hối hận, quyết tâm cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Nhờ chấp hành cải tạo tốt, anh được khoan hồng, giảm xuống còn 18 năm.

Hết hạn tù năm 2009, anh Chung trở về địa phương. Những ngày đầu, anh sống khép mình với mặc cảm, tự ti, ngại ngùng trước ánh mắt của bà con, xóm giềng. Sau đó, thương người vợ vất vả, anh quyết tâm bỏ qua mặc cảm, xốc vào làm kinh tế. Nhờ anh em, họ hàng hỗ trợ 100 triệu đồng, trên diện tích đất của gia đình, vợ chồng anh Chung trồng sắn, đậu và chăn nuôi heo. Lúc đầu, do thiếu kinh nghiệm trong trồng trọt, giá heo xuống thấp, anh bị lỗ hơn 70 triệu đồng. Thất vọng nhưng anh vẫn cố gắng đi làm phụ hồ kiếm sống. Tiền công làm thuê rẻ mạt không đủ trang trải cuộc sống của hai vợ chồng song cảnh bữa đói, bữa no cũng không khiến anh buông xuôi.

Anh Chung đang cắt cỏ cho bò.
Anh Chung đang cắt cỏ cho bò.

Nhờ người thân và chính quyền địa phương quan tâm, động viên, hỗ trợ, trên diện tích rẫy hơn 1 ha của gia đình, anh quyết định đầu tư trồng xen canh nhiều loại cây như: hơn 1.000 cây cà phê, 350 trụ tiêu, 35 cây điều, 20 cây bơ Booth và trồng xen 3 sào cỏ cung cấp nguồn thức ăn cho bò. Ngoài ra, anh còn nuôi 2 con bò mẹ và gần 100 con gà. Anh chịu khó tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ chịu khó, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế của gia đình anh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2016, sau khi trừ hết chi phí anh thu về gần 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, có của ăn của để, nuôi 2 đứa con ăn học đầy đủ.

Giờ đây, người ta không còn thấy hình ảnh tay giang hồ Hải đen khét tiếng nữa, thay vào đó là hình ảnh anh nông dân Nguyễn Văn Chung chất phác, cần cù, chăm chỉ lao động, được bà con trong thôn yêu mến.

Anh Phan Đình Cư, Trưởng Công an xã Cư Mốt cho biết: Anh Chung  là một minh chứng cho sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng giúp nhiều người từng lầm lỡ quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện trên địa bàn xã Cư Mốt có 51 người từng đi tù được thả về, trong đó có 16 người vẫn chưa được xóa án tích. Nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương, những người từng phạm lỗi lầm khi trở về địa phương đều tái hòa nhập với cộng đồng thành công, tích cực chăm lo phát triển kinh tế, nhiều người đã thoát nghèo trở thành những hộ có thu nhập cao, là điểm sáng tại nhiều thôn, buôn trong xã.

                                                         Nguyễn Ngọc


Ý kiến bạn đọc