Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm ý nghĩa từ "Tết yêu thương"

14:19, 31/12/2016

Chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng các hoạt động của Chương trình kỹ năng sống “Tết yêu thương” đã giúp các bạn nhỏ có cơ hội trải nghiệm về phong tục, tập quán trong ngày Tết cổ truyền, qua đó biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Tết yêu thương” là chương trình do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức với sự tham gia của 50 thành viên đến từ các CLB, đội, nhóm chuyên. Đây là một cơ hội vô cùng thú vị, giúp các em học sinh khám phá, phát huy năng lực bản thân và sức mạnh tập thể.

Tham gia vào sân chơi này, ngoài việc làm quen với bài dân vũ sôi động, các thành viên còn được tham gia Teambuilding mô phỏng các trò chơi dân gian như nhảy dây, cướp cờ, cà kheo. Đây không chỉ là hoạt động vui chơi mang tính thử thách trí tuệ, sức lực mà nó còn giúp phát huy khả năng lãnh đạo của mỗi cá nhân, cũng như tinh thần đoàn kết của cả tập thể... Sau khi làm quen, thích nghi với môi trường làm việc nhóm, các bạn nhỏ tiếp tục được hòa mình vào không khí đón Tết cổ truyền, tìm hiểu về ẩm thực truyền thống ngày xuân của người Việt qua tập làm bánh chưng, bánh tét.

Các em thiếu nhi hào hứng học gói bánh chưng, bánh tét tại Chương trình
Các em thiếu nhi hào hứng học gói bánh chưng, bánh tét tại Chương trình "Tết yêu thương".

Trước khi thực hiện, các nhóm đã được các thầy, cô giáo giới thiệu về ý nghĩa của chiếc bánh chưng, bánh tét trong mâm cỗ ngày Tết và hướng dẫn kỹ thuật để có chiếc bánh vừa đẹp vừa ngon. Với nguyên liệu gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh, dây lạt, rồi cách tính toán sao cho tỷ lệ vừa đủ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, chỉ sau 1 giờ, những chiếc bánh dần hoàn thiện trong sự bỡ ngỡ đầy thích thú của các "nghệ nhân" không chuyên.

Em Nguyễn Thị Nhật Vy (Đội Nghệ thuật Măng non) chia sẻ: “Nhờ tham gia chương trình mà em có cơ hội hiểu rõ hơn câu chuyện lịch sử về Lang Liêu - người con trai thứ mười tám của Hùng Vương; đồng thời biết được ý nghĩa để bánh chưng trở thành thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt. Mọi người cùng tham gia gói, luộc, quây quần bên nồi bánh chưng, tình cảm gia đình càng thêm gắn kết, tạo không khí đầm ấm, sum vầy trước thềm năm mới”.

Cũng là lần đầu tiên được tự tay trang trí mâm ngũ quả, bạn Trương Xuân Phong (Đội Nghệ thuật Măng non) vô cùng hào hứng: “Mỗi loại trái cây em trang trí đều có một ý nghĩa khác nhau. Mâm ngũ quả đặt bên cạnh cành đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ tạo nên một bức tranh ấm áp mỗi khi xuân về”.

Tết cổ truyền của dân tộc là dịp để mỗi người Việt tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; mỗi người trong gia đình, cộng đồng dành sự quan tâm lẫn nhau với những tình cảm rất đỗi bình dị và cũng hết sức thiêng liêng. Ngày nay, đa số trẻ em thành thị chỉ cảm nhận không khí Tết cổ truyền qua việc được mặc quần áo mới, lì xì cùng những trò chơi công nghệ mà ít hiểu được giá trị thiêng liêng của ngày Tết. Đó là sự trăn trở của không ít các bậc cha mẹ trong nhịp sống hiện đại.

Cùng quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét chờ thời khắc giao thừa, chuyên đề “Tết yêu thương” khép lại chương trình với những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, cách đối nhân xử thế đã nhận được nhiều nụ cười cũng như những giọt nước mắt đầy xúc động từ các em nhỏ. Chia sẻ về hoạt động này, anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc Nhà Văn hóa cho biết: “Chương trình kỹ năng sống “Tết yêu thương” mới được Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức trong năm nay. Có thể xem đây là một hoạt động ngoại khóa tạo môi trường hoạt động để thực hành trải nghiệm các kỹ năng, đồng thời cho các em thấy và cảm nhận được không khí của những ngày giáp tết, qua đó hình thành tình cảm yêu quý, tự hào, biết giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc”.  

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc