Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở những xóm đạo

10:40, 31/12/2016

Đường làng ngõ xóm rộng rãi, khang trang; ruộng vườn tươi tốt; nhiều ngôi nhà mới xây mọc lên; cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện... là những đổi thay dễ nhận thấy từ việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các xóm đạo nói riêng trong những năm gần đây...

Những tuyến đường khang trang

Thời gian này về thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng (huyện Cư Kuin) ai cũng đều cảm nhận được không khí khẩn trương, sôi động, tích cực của bà con trong việc làm đường giao thông nông thôn. Từ tuyến đường chính KB, KC, KD, rồi các đường nhánh K7, K9, các con hẻm... cứ từng ngày, từng ngày được hoàn thiện dần. Chỉ trong năm 2015, thôn Kim Châu đã xây dựng được gần 3 km đường bê tông nội thôn với chất lượng vượt chuẩn quy định (5 m bề ngang mặt đường so với chuẩn quy định của nông thôn mới là 3 m; dày 15 cm so với quy định là 14 cm).

Anh Trần Sông Hương, Trưởng thôn Kim Châu hồ hởi nói: “Khoảng 5 năm trở lại đây đường sá trong thôn đã xuống cấp, người dân đi lại khó khăn. Từ khi các con đường được làm mới, bà con phấn khởi lắm, bởi không còn cảnh phải lội bùn, lấm đất vào mùa mưa, cũng chẳng còn lo sợ bụi bặm thổi mù trời trong mùa khô nữa. Từ một con đường chính trong thôn được Nhà nước hỗ trợ làm, người dân ở các nhánh đường khác cũng đua nhau, cùng bàn bạc đóng góp để xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội thôn cho được khang trang, sạch đẹp...”. Đến nay, dự tính kinh phí làm đường giao thông nông thôn đã lên tới hơn 1,8 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ là 100 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp), chưa kể hơn 1.500 ngày công lao động người dân trong thôn góp sức.

Có thể nói, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nguồn vốn huy động trong nhân dân đã góp phần không nhỏ trong phát triển hệ thống giao thông của thôn Kim Châu. Với hơn 760 hộ, dân số gần 4.000 khẩu, trong đó phần lớn là theo Công giáo nên để phong trào làm đường giao thông nông thôn được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, có hiệu quả, Ban tự quản thôn đã phối hợp với Hội đồng giáo xứ tuyên truyền, vận động người dân cùng tích cực tham gia. Từ khi bàn bạc đến khi triển khai, mọi việc đều được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ thường xuyên nên chất lượng công trình được bảo đảm và tiết kiệm.

Bên cạnh đó, nhận thấy việc xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân, Ban tự quản cùng các đoàn thể của thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân  nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, nhân dân tự giác tham gia, phấn đấu thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm; cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi; công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng được nâng cao, trẻ em được tiêm chủng đều đặn theo định kỳ; ngày càng có nhiều bà con giáo dân bằng sự phấn đấu của bản thân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Người dân buôn Yao làm đường giao thông nông thôn.
Người dân buôn Yao làm đường giao thông nông thôn.

Chuyển biến về nhận thức, tích cực trong hành động

Buôn Yao, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) có 253 hộ, với 1.250 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và theo Công giáo, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong buôn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương; tìm tòi, học hỏi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, mở mang ngành nghề dịch vụ... Đặc biệt trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, từ năm 2011 đến nay, người dân đã đóng góp kinh phí, ngày công lao động nâng cấp, sửa chữa được 4 km đường giao thông nội đồng; đóng góp 173 triệu đồng và 1.065 ngày công lao động để bê tông hóa được gần 2,7 km đường giao thông với mặt đường rộng 3 m (tổng trị giá 2,7 tỷ đồng cả quy đổi ngày công lao động của người dân). Không chỉ vậy, bà con còn tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng các con đường mà không hề đòi hỏi một sự đền bù hay hỗ trợ nào, chỉ với mong ước con đường sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, để đi lại được thuận lợi… Là một trong những hộ giáo dân đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, ông Y TLac B’Đáp cho biết: “Trước đây những tuyến đường trên bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đường lại nhỏ, gây rất nhiều khó khăn trong đi lại, nhất là vào những hôm trời mưa. Người dân chúng tôi nhận thấy việc làm đường là làm cho chính người dân, chính mình được hưởng lợi nên các hộ đều đồng tình hưởng ứng, ai cũng sẵn sàng góp công, góp sức. Riêng đối với gia đình tôi, ngoài đóng góp tiền (1,7 triệu đồng) và ngày công thì còn lùi hàng rào vào 1 m (với khoảng 40 m2 đất) để mở rộng con đường cho thẳng đẹp…”.

Cùng với làm đường giao thông nông thôn, người dân trong buôn còn thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: tích cực bảo vệ môi trường, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…. Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, Trưởng buôn Yao, Y B’Lem Ktla chia sẻ kinh nghiệm: Từ khi Nhà nước có chủ trương, Chi bộ và Ban tự quản buôn đã chỉ đạo các tổ chức chính trị thực hiện, đối với những hộ gia đình có đạo thì phối hợp với Trưởng nhóm công giáo trong buôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động… Từ đó, bà con đã nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt là việc làm đường giao thông nông thôn nên đã tích cực tham gia. Đời sống của người dân trong buôn đang ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo trong buôn chỉ còn 7,9% và 14,6% hộ cận nghèo. Buôn Yao hiện đã được UBND huyện Cư M’gar công nhận là buôn văn hóa. Toàn buôn có 225 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trong đó có 149 hộ gia đình văn hóa đạt 3 năm liên tiếp, đặc biệt có nhiều hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu…

Lan Anh – Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc