Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

11:06, 05/07/2016
Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), giảm thủ tục, thời gian cho đơn vị và cá nhân có giao dịch với cơ quan BHXH, thời gian qua, BHXH tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực này.
 
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Giao dịch điện tử mang lại lợi ích rất thiết thực, giúp cán bộ nghiệp vụ giải quyết công việc nhanh hơn, giảm thiểu phiền hà, số lần và thời gian giao dịch của đơn vị với cơ quan bảo hiểm, bảo đảm được tính thống nhất, chính xác, tránh tình trạng tẩy xóa hồ sơ nên rút ngắn được thời gian nhập dữ liệu và tích hợp dữ liệu vào phần mềm. Bên cạnh đó, công tác quản lý hồ sơ cũng đơn giản hơn, dễ dàng đối chiếu, khai thác, giúp cơ quan BHXH giải quyết nhanh, rút ngắn thời gian trả kết quả. Vì vậy, Ban Giám đốc BHXH tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt”. Theo đó, ngay từ đầu năm 2015, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh thực hiện kê khai hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua mạng internet. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã tổ chức tập huấn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ BHXH các huyện, thị xã, thành phố và 2.171 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập 16 tổ hỗ trợ sử dụng phần mềm giao dịch điện tử và tổ hướng dẫn trực tiếp cho 60 đơn vị; ký thỏa thuận hợp tác, phối hợp, hỗ trợ 6 nhà cung cấp dịch vụ I-VAN trong việc triển khai, đáp ứng yêu cầu kết nối giữa đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH về thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Trong trường hợp các cơ quan, đơn vị không lựa chọn dịch vụ I-VAN của các nhà cung cấp, BHXH tỉnh sẽ hướng dẫn và cài đặt phần mềm K.BHXH của BHXH Việt Nam. 
 Cán bộ Phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Cán bộ Phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.

Mặc dù đã tích cực triển khai nhưng tính đến cuối tháng 5-2016, toàn tỉnh mới chỉ có 1.061/3.626 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch điện tử (chiếm 29,2%). Trong khi đó, theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, đến 31-12-2016, tỉnh Đắk Lắk phải đạt tỷ lệ 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Theo ông Huỳnh Kim Tưởng, Phó trưởng Phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do bước đầu các đơn vị sử dụng lao động chưa quen với hình thức giao dịch qua mạng nên còn nhiều lúng túng. Toàn tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ, ít lao động (hơn 1.000 doanh nghiệp) chưa “mặn mà” với giao dịch điện tử, vẫn thích giao dịch trực tiếp như trước. Hơn nữa, hệ thống mạng, trang thiết bị của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng phần mềm. Mặt khác, cán bộ làm công tác BHXH ở hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận, sử dụng phần mềm giao dịch điện tử. 

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đạt chỉ tiêu được giao, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tập trung thực hiện cải cách hành chính (từ 115 thủ tục còn 33 thủ tục) góp phần phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời áp dụng tiếp nhận và trả hồ sơ qua hệ thống Bưu điện (phí giao dịch do cơ quan BHXH chi trả) nhằm giảm thời gian giải quyết và thời gian đi lại của cơ quan, đơn vị, người lao động và người dân. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu thực hiện hằng quý cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố và Phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh), thường xuyên có văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; chú trọng nâng cấp, cải tiến phần mềm để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp... 
 
Lợi ích của giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đã thấy rõ nhưng để có thể triển khai thực hiện thành công, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm, rất cần sự vào cuộc, hợp tác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.