Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực "trả lại" tên tuổi cho liệt sỹ

11:32, 29/02/2016

Cùng với cả nước, cuối năm 2015 ngành Lao động Thương binh xã hội (LĐ-TBXH) tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện điều tra về liệt sỹ (LS), thân nhân LS, mộ LS, nghĩa trang (gọi là Cuộc điều tra) nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý và phục vụ việc đối chiếu, xác định danh tính hài cốt LS còn thiếu thông tin.

Để thực hiện công việc khá phức tạp, khó khăn này, Sở LĐ-TBXH đã tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức LĐ-TBXH huyện, thị xã, thành phố những nội dung cơ bản của Cuộc điều tra. Việc điều tra mộ LS, nghĩa trang LS do cấp tỉnh đảm nhiệm; kết quả có 3.837 phần mộ tại 13 nghĩa trang LS (gồm 1 nghĩa trang LS tỉnh và 12 nghĩa trang LS huyện, thị xã), nhưng chỉ 9 phần mộ có đầy đủ thông tin theo tiêu chí điều tra, còn lại chỉ có một phần thông tin hoặc không có thông tin. Sở LĐ-TBXH đã xử lý thông tin điều tra mộ LS, nghĩa trang LS, nhập phần mềm để quản lý, theo dõi, tạo thuận lợi cho thân nhân LS trong quá trình tìm kiếm mộ cũng như thăm viếng.
Cán bộ chính sách (Phòng LĐ-TBXH huyện Cư Mgar) gặp gỡ thân nhân liệt sỹ Trương Công Phi để nắm bắt thông tin.
Cán bộ chính sách (Phòng LĐ-TBXH huyện Cư Mgar) gặp gỡ thân nhân liệt sỹ Trương Công Phi để nắm bắt thông tin.

Về điều tra thông tin LS, thân nhân LS do các phòng LĐ-TBXH thực hiện, nhưng chỉ mới hoàn thành hơn 50% trong tổng số hơn 8.000 hồ sơ LS đang quản lý. Nguyên nhân là do thân nhân chủ yếu của LS (bố, mẹ, chồng, vợ, con) không còn sống, việc nắm bắt thông tin theo yêu cầu của tiêu chí điều tra khó. Chị Phạm Thị Thanh, cán bộ chính sách (Phòng LĐ-TBXH huyện Cư M’gar) cho biết: “Một số LS có thân nhân thờ cúng là cháu họ, hoặc người lớn tuổi nên không biết, hoặc nắm không chính xác thông tin liên quan về LS như: ngày, tháng, năm sinh, về người có quan hệ huyết thống để giám định ADN; một số LS không còn thân nhân để kiểm tra ADN khi cần thiết. Nguyên tắc của phương pháp giám định gien là lấy mẫu ADN  của bộ phận xương cứng (tốt nhất là răng) và đối chiếu với mẫu ADN của người họ hàng thuộc dòng mẹ (có thể là anh chị em cùng mẹ, bác, dì thuộc bên mẹ…), nhưng với thân nhân LS là đồng bào dân tộc thiểu số không nắm được mối quan hệ gia đình”.

Một khó khăn nữa trong quá trình điều tra, hầu hết trong giấy báo tử của các LS đều ghi hy sinh ở mặt trận phía Nam, nhưng không ghi cụ thể ở địa phương nào. Với những trường hợp trên, ngoài gặp trực tiếp thân nhân LS để hỏi, điều tra viên phải căn cứ vào thông tin lưu trữ trên hồ sơ đang quản lý tại Sở LĐ-TBXH. Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng có công (Sở LĐ-TBXH) cho biết thêm: “Yêu cầu của cuộc điều tra là phải gặp trực tiếp thân nhân LS để nắm bắt chính xác các thông tin, nhất là phải xác định đâu là thân nhân chủ yếu, thân nhân thờ cúng, xác định LS đã tìm thấy mộ hay chưa, thông tin về mộ LS có trùng khớp với hồ sơ đang quản lý, tìm được người lấy mẫu sinh phẩm để “trả lại” tên tuổi cho các LS, cũng như điều chỉnh thông tin bia mộ”. Song phần lớn thân nhân LS không nhớ các thông tin liên quan để trả lời, các điều tra viên phải tra cứu hồ sơ gốc lưu tại Sở LĐ-TBXH để cập nhật thêm thông tin, sau đó trở về địa phương gặp gỡ thân nhân LS nắm bắt thêm thông tin ghi vào phiếu điều tra. Tuy nhiên, hồ sơ LS Sở quản lý cũng thiếu thông tin, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nội dung điều tra đề ra.

Công việc điều tra khá phức tạp, song điều tra viên là cán bộ, nhân viên ngành LĐ-TBXH nên khá tường tận địa bàn, nắm rõ hoàn cảnh, thân nhân LS, đặc biệt là các thông tin trong phiếu điều tra. “Nhiệm vụ của những người đang sống hôm nay là bằng mọi cách không để các thế hệ mai sau không biết tên những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện, Sở LĐ-TBXH phối hợp chặt chẽ với Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu trong tháng 3-2016 sẽ hoàn thành công tác điều tra, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về LS, thân nhân LS và thân nhân LS lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN để phục vụ việc đối chiếu, xác định danh tính hài cốt LS còn thiếu thông tin, làm cơ sở phục vụ công tác quản lý thống nhất trên toàn tỉnh và thực hiện các chính sách đối với LS theo quy định”, ông Lê Hải Lý khẳng định.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.