Multimedia Đọc Báo in

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: Cần có cơ chế hỗ trợ cho nông dân

09:35, 24/05/2016

Dù là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, nhưng việc áp dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất nông nghiệp nói chung, từng lĩnh vực của nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, khiến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao.

Thiếu đồng bộ

Theo Sở NN-PTNT, CGH nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, khâu làm đất cơ bản đã CGH trên 90%, vận chuyển 93%, tuốt đập, tách hạt 79%, tưới tiêu 74%, nhưng các công đoạn thu hoạch mới chỉ đạt 60%, phun thuốc BVTV 51%. Tuy nhiên, điều đáng nói là sấy nông sản – công đoạn cuối cùng của chuỗi sản xuất quyết định đến chất lượng sản phẩm chỉ đạt 17%. Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi, tỷ lệ CGH khác nhau trong từng khâu, công đoạn cũng như đối với từng vật nuôi vẫn còn thấp. Trong chăn nuôi heo, những năm gần đây, xuất hiện hình thức liên kết liên doanh giữa doanh nghiệp (DN) và người dân (DN cung cấp giống, người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, chăm sóc, ăn chia sản phẩm) nên tỷ lệ CGH trong khâu chuồng trại đạt 80% nhưng ở khâu chế biến thức ăn chỉ đạt 38%, thu gom chất thải 30%. Đối với chăn nuôi bò thịt, mức độ CGH chuồng trại mới chỉ ở mức độ 30%, chế biến thức ăn 50%; chăn nuôi gà, khâu đầu tư chuồng trại mới chỉ được CGH 50%, còn lại đa số là thủ công. Về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, toàn tỉnh ước có trên 127.000 máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với 16 chủng loại khác nhau, chủ yếu là máy bơm nước, máy kéo, động cơ chạy xăng, dầu diezen, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ, máy chế biến gỗ…

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại cánh trồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại cánh trồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nguyên nhân CGH trong một số lĩnh vực sản xuất chưa cao là do cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, phân tán, địa hình không bằng phẳng gây khó khăn trong việc di chuyển nội đồng và tác nghiệp trên thực địa, đặc biệt là trong khâu thu hoạch dẫn tới năng suất thấp, tăng chi phí nhân công, nhiên liệu, sửa chữa và bảo dưỡng... Quan trọng hơn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, nông dân thiếu kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị CGH công suất lớn. Chưa kể, đa số lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề, các dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp kém phát triển, một số mô hình ứng dụng cơ giới được Nhà nước hỗ trợ chưa phát huy hết công năng, hiệu quả... 

Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Để thúc đẩy CGH trong nông nghiệp, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 22-12-2011 về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ứng dụng CGH; xây dựng mô hình CGH tại các vùng trọng điểm… Trong đó, tổ chức tập huấn cho hơn 300 hộ nông dân tại các huyện về phương pháp sơ chế, bảo quản nông sản; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến công trong khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản như: hỗ trợ một phần để xây dựng 10 lò sấy cà phê tại nông hộ, đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp; xây dựng kho bảo quản cà phê nhân xô tại Cụm công nghiệp Hòa Phú… Qua đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ sản xuất, thời vụ gieo trồng được rút ngắn, từng bước hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản… Tuy nhiên, do việc tiếp cận vốn cũng như đặc thù địa hình sản xuất của địa phương còn nhiều khó khăn nên hiệu quả chương trình mang lại chưa cao. Ngoài ra, còn do công tác quản lý máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là người sử dụng tự quản lý, bảo hành sữa chữa; các cơ quan quản lý tuy có hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng máy móc bảo đảm an toàn, nhưng chưa nhiều. Trong khi đó tập quán canh tác theo hướng thủ công còn tồn tại trong cộng đồng, lực lượng lao động qua đào tạo nghề để có thể sử dụng máy móc còn thấp; thủ tục hành chính triển khai các chính sách hỗ trợ phức tạp, người dân khó tiếp cận...

Gom chất thải chăn nuôi tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk , thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.
Gom chất thải chăn nuôi tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk , thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.

Để từng bước đẩy mạnh CGH trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT đang nghiên cứu, đề xuất gia hạn thời gian triển khai Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Nhà nước hỗ trợ các Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, dự án ODA (của Bộ NN-PTNT) để xây dựng một số mô hình trình diễn về áp dụng máy móc vào sản xuất trên lúa, ngô, cà phê, hồ tiêu…  Nhưng quan trọng hơn cả là Nhà nước cần đưa ra những chính sách đặc thù, bố trí ngân sách cho các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện công tác tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ gia đình, trang trại, DN về kỹ năng vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.          

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.