Multimedia Đọc Báo in

Hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn tràn lan, do đâu? (Kỳ II)

12:57, 14/03/2016

 Kỳ 2:  “Cuộc chiến” dài lâu

Hàng lậu, giả không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân, doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, lâu nay nó vẫn ngang nhiên tồn tại chưa được xử lý dứt điểm, vì sao?

Quản không xuể!

Với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, năm 2015, số vụ việc vi phạm gian lận thương mại được phát hiện và xử lý, dù giảm gần 400 vụ (tương đường 12%) so với năm 2014, nhưng, tổng số tiền thu được sau xử lý lại tăng trên 15,6 tỷ đồng (gần 39%), điều này cho thấy, quy mô và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Vấn nạn hàng giả, nhái, gian lận thương mại vẫn hoành hành, thách thức cơ quan chức năng, và NTD hằng ngày vẫn luôn có tâm lý lo sợ mua phải hàng bẩn, kém chất lượng…

Kiểm tra mặt hàng mũ  bảo hiểm được  bày bán tại một  hội chợ diễn ra ở thị xã Buôn Hồ.
Kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm được bày bán tại một hội chợ diễn ra ở thị xã Buôn Hồ.

Có nhiều nguyên nhân để hàng giả, nhái, gian lận thương mại lộng hành. Theo ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, thủ đoạn của các đối tượng gian thương ngày càng tinh vi khiến việc kiểm soát, truy quét của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn; chưa kể do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên việc bố trí cán bộ chuyên trách, phương tiện, thiết bị hỗ trợ để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa, đấu tranh với gian thương chưa thể đáp ứng đầy đủ. Hơn nữa, khi muốn kiểm định chất lượng hàng hóa vi phạm, cơ quan QLTT phải gửi mẫu đi TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội nên mất rất nhiều thời gian, chi phí (hiện khu vực Tây Nguyên chưa có Trung tâm kiểm định đo lường chất lượng). Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra, xử phạt ở lĩnh vực này chưa thật sự chặt chẽ cũng gây khó cho lực lượng chức năng. Chẳng hạn, tại các điểm kinh doanh lẻ, thuốc lá lậu thường được người bán cất giấu trong nhà trong khi QLTT lại không có quyền khám xét nhà để bắt quả tang hành vi vi phạm của đối tượng.

Ngoài ra còn có nguyên nhân do việc phối hợp giữa DN (có sản phẩm bị làm giả) với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống gian lận thương mại chưa thật sự chặt chẽ, hay đúng hơn là còn khá rời rạc, thậm chí là bất hợp tác. Ngoài một số đơn vị như Công ty TNHH thời trang Nón Sơn (TP. Hồ Chí Minh), Honda Việt Nam  là những DN hiếm hoi chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh loại bỏ nạn hàng giả, nhái, xâm phạm sỡ hữu trí tuệ, số  đông DN còn lại chưa sẵn sàng công khai thông tin sản phẩm của mình bị làm giả và hướng dẫn cách phân biệt  hàng thật- giả để NTD nhận biết, lựa chọn vì tâm lý DN sợ rằng nếu công khai sản phẩm của mình bị làm giả thì khách hàng sẽ quay lưng (?!)

Trên thực tế, tình trạng hàng giả, nhái hay buôn bán những mặt hàng này gây nhiều bức xúc trong dư luận, ai cũng căm phẫn và muốn loại trừ nhưng có một bộ phận không nhỏ NTD lại không biết “tự cứu mình” mà vô tình tiếp tay cho hàng hóa kém chất lượng do ham mua hàng giá rẻ và sính mác hàng hiệu, ngoại nhập...

Cần sự  vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng

Công tác đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn hàng lậu, giả, nhái, gian lận thương mại trên địa bàn thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Từ cuối năm 2014, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của nhiều ngành như Cục Hải quan, Cục Thuế, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng…; nhờ có sự vào cuộc và phối hợp của nhiều cơ quan liên quan nên đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm lớn. Năm 2015 được coi là thời điểm “nóng” của vấn nạn buôn bán thuốc lá lậu ngoại nhập và gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành chức năng, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện xử lý 38 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu, thu nộp vào ngân sách Nhà nước 1,445 tỷ đồng, đặc biệt, bắt quả tang và tịch thu 9 cột đo xăng dầu gắn IC điện tử gian lận để móc túi khách hàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh cũng nhìn nhận, tình hình gian lận thương mại vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của tỉnh ta cũng như cả nước, đối tượng vi phạm vẫn bất chấp mọi pháp luật, tìm mọi cách để gian lận, thậm chí sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng nếu bị phát hiện, do đó, phải xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp hơn nữa của nhiều ngành chức năng. Trong đó, riêng lực lượng QLTT tỉnh đã và đang nỗ lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhất là ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng trên các phương tiện giao thông qua các tuyến quốc lộ, đồng thời, kiên quyết xử nghiêm các đối tượng vi phạm… Song, để tập trung truy quét tận gốc các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng lậu, giả, kém chất lượng, về lâu dài, ông Chí cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để người dân và các đối tượng kinh doanh được biết và thực hiện. Quan trọng hơn, bản thân mỗi NTD hãy là NTD thông thái, nên loại bỏ dần tâm lý sính ngoại, nói không với hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng giá rẻ.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc