Multimedia Đọc Báo in

Chạy đua với... nước (Kỳ cuối)

10:12, 11/03/2016

Kỳ cuối:  Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững

Hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững là mục tiêu đặt ra cho các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương được hoạch định và tích cực triển khai vì mục tiêu trên. Trong đó nguồn nước tưới được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự “thành bại” cho nền sản xuất nông nghiệp ở đây.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp lên tới 424 tỷ m3/mùa - vụ. Hiện nay nguồn nước tưới (nước mặt) trên toàn vùng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu, vì thế việc xây dựng thêm và nâng cấp các công trình thủy lợi ở đây là yêu cầu bức thiết đặt ra. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng xây dựng hơn 2.260 công trình thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn Tây Nguyên để bảo đảm nguồn nước tưới cho gần 500.000 ha cây trồng các loại trên tổng diện tích canh tác hơn 1,2 triệu ha. Ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho đó là một nỗ lực lớn lao của các bộ, ngành Trung ương cũng như chính quyền địa phương nhằm biến vùng đất này trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế và bất cập khiến yếu tố bền vững ngày càng mất đi. Trong đó nổi lên là vấn đề quy hoạch trong sản xuất thường xuyên bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác dự báo, nắm bắt thị trường, chiến lược phát triển và đặc biệt là sự ổn định trong đời sống sản xuất, kinh doanh của từng địa phương.

Hơn 700 ha cà phê được trồng ngoài vùng quy hoạch ở xã Cư Pơng - Krông Búk luôn trong tình trạng thiếu nước, dẫn đến khô héo vào mùa khô.  Ảnh: Minh Thuận
Hơn 700 ha cà phê được trồng ngoài vùng quy hoạch ở xã Cư Pơng - Krông Búk luôn trong tình trạng thiếu nước, dẫn đến khô héo vào mùa khô. Ảnh: Minh Thuận

Chẳng hạn như ở Đắk Lắk, diện tích cà phê được quy hoạch vào khoảng 150.000 - 180.000 ha, nhưng trên thực tế hiện nay đã vượt ra ngoài con số 220.000 ha. Cây hồ tiêu cũng đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch khoảng 40.000 - 42.000 ha. Lúa nước cũng vậy, năm nào diện tích tự phát cũng từ 1.500 - 1.800 ha. Nhìn rộng vấn đề này ra ở các tỉnh khác trên toàn vùng Tây Nguyên thì câu chuyện không tuân thủ theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp cũng không khác gì Đắk Lắk, khiến chính quyền, cơ quan hoạch định chính sách phải “đau đầu” lâu nay. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra mới đây thì tất cả diện tích các loại cây trồng vùng Tây Nguyên đều vượt mức ấn định. Ví như diện tích lúa vụ đông xuân năm nay trên toàn vùng được gieo cấy ngoài quy hoạch vượt hơn 18.000 ha, cây công nghiệp dài ngày như cà phê đã tăng lên hơn 0,5 triệu ha (theo quy hoạch là khoảng 400.000 ha), hồ tiêu cũng đang ở mức xấp xỉ 340.000 ha (quy hoạch là 200.000-220.000 ha). Số diện tích cây trồng “ngoài dự liệu” này đã khiến hoạt động sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên theo hướng bền vững gặp rất nhiều khó khăn - từ việc quản lý, cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và bảo đảm thị trường tiêu thụ… cho đến vấn đề ứng phó với những tình huống bất lợi như giá cả biến động, thiên tai xảy ra hàng năm.

Trong một loạt vấn đề đặt ra nói trên, buộc nền sản xuất nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên phải đối mặt và từng bước tìm cách giải quyết, thì việc ứng phó với thiên tai (như tình trạng hạn hán gay gắt và ngày càng khốc liệt như hiện nay) được xem là mối quan tâm hàng đầu. Phó GS.TS Lê Mạnh Hùng-Giám đốc Viện Khoa học-Thủy lợi Việt Nam cho rằng, từ nguồn nước mặt hiện có (khoảng 112 tỷ m3) trong các công trình thủy lợi đã được xây dựng trên địa bàn Tây Nguyên chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu, còn lại người dân buộc phải tận lực khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất nông nghiệp, khiến nguồn tài nguyên này không ngừng biến động theo chiều hướng tiêu cực hơn. Mới đây, Viện này đưa ra con số đánh giá việc sử dụng hợp lý nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên từ năm 2015-2025 đã cho thấy những yếu tố được coi là không bền vững của tài nguyên nước ở đây trên hai phương diện sau: Thứ nhất là tài nguyên nước mặt (chỉ xét đến lượng nước hiện hữu trên các sông suối điển hình) như Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và Đồng Nai đã kiệt dần từ lưu lượng 173.863,54 lít/giây của những năm 2004-2005 xuống còn dưới 127.000 lít/giây hiện nay. Thứ hai là sự phân bổ không đồng đều của lượng mưa theo không gian và thời gian ở mỗi vùng - nơi có lượng mưa hàng năm lớn hơn 3.000 mm như Kon Plông (Kon Tum), thượng nguồn sông Hinh (Đắk Lắk – Phú Yên) và nơi có lượng mưa chỉ trên dưới 1.500 mm như Krông Búk, Ea Súp… thì sự chênh lệch lưu lượng nước ở đỉnh lũ lớn nhất với lưu lượng kiệt nhỏ nhất là rất cao, do đó đã làm cho hạn hán (lũ lụt) diễn ra trầm trọng và khó lường hơn. Theo đó, cũng chính vì sự suy giảm từ hai phương diện trên khiến nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm ở đây cạn kiệt nhanh chóng, nhất là vào những tháng mùa khô. Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Khoa học-Thủy lợi Việt Nam, Tây Nguyên là nơi thượng nguồn của 3 hệ thống sông lớn (Sêrêpốk, Sê San, Đồng Nai) đang được người dân thường xuyên khai thác nước ngầm tại đầu nguồn để tưới cho diện tích cây trồng ngoài quy hoạch (chủ yếu là cây công nghiệp) khiến mực nước không ngừng bị hạ thấp, dẫn đến quá trình sản xuất tại các vùng hạ lưu gặp khó khăn do không duy trì đủ nguồn nước cần thiết. Có thể thấy điều đó đang diễn ra hiện hữu tại các tỉnh vùng hạ lưu: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề như giới truyền thông đã phản ánh, ghi nhận trong những tuần qua.

Rõ ràng, để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cho Tây Nguyên, thì đồng thời với chủ trương nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tuân thủ đúng với quy hoạch đề ra - và luôn coi đó là giải pháp hàng đầu, thì việc quy hoạch sử dụng tài nguyên nước ở đây một cách đồng bộ, khoa học và có hiệu quả phải được chính quyền các cấp, ngành liên quan cùng người dân thực hiện với quyết tâm và thường xuyên hơn mới bảo đảm yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong thời gian tới như Chỉ thị 04/CT-TTg, ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách phòng chống hạn trong mùa khô năm nay.

Đình Đối

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.