Multimedia Đọc Báo in

Hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn tràn lan, do đâu? (Kỳ I)

06:49, 12/03/2016

Kỳ I: “Đường đi” của hàng lậu

Thời gian qua, dù công tác đấu tranh, ngăn chặn đã được các lực lượng chức năng trong tỉnh nỗ lực triển khai, nhưng vẫn để “lọt” số lượng không nhỏ hàng giả, nhái, kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bày bán khắp nơi, đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD).

Muôn nẻo gian lận thương  mại...

Theo Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn có nhiều diễn biến mới và phức tạp. Năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 2.886 vụ vi phạm, trong đó, chiếm đến gần 70% vụ việc là buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 27% vụ gian lận thương mại. Hàng nhập lậu, hàng giả chủ yếu là rượu, thuốc lá, hàng may mặc, mỹ phẩm, túi xách, đồ điện tử… chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào (phần lớn là TP. Đông Hà) tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh phía Nam lên theo các tuyến quốc lộ 14, 26 và 27, bằng xe tải hoặc xe khách. Gian thương thường có nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng lậu, giả tinh vi hơn so với trước, như cất giấu trên mui xe khách, trong ca bin xe tải hoặc trà trộn, vùi sâu trong những kiện hàng có hóa đơn chứng từ hợp pháp hòng qua mắt cơ quan chức năng. Đối tượng vị phạm thường lợi dụng đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển, sau khi hàng về thường có xu hướng tránh tập kết ở cửa ngõ của TP. Buôn Ma Thuột mà “xé nhỏ” ra cho các mối hàng tiêu thụ khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

Cán bộ QLTT kiểm tra hóa đơn chứng từ, hợp quy, hợp chuẩn mặt bằng đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ QLTT kiểm tra hóa đơn chứng từ, hợp quy, hợp chuẩn mặt bằng đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua là thời điểm mà hàng lậu, giả, nhái càng có cơ hội tràn ra thị trường. Chỉ tính riêng trong dịp cao điểm kiểm tra hàng Tết, lực lượng chức năng đã phát hiện 158 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 1,1 tỷ đồng. Theo lời khai của các đối tượng buôn bán hàng kém chất lượng, hầu hết hàng được nhập về từ các chợ ở TP. Hồ Chí Minh hoặc từ các tỉnh Lạng Sơn, TP. Đông Hà. Những mặt hàng này được “tuồn” ra thị trường theo nhiều “kênh” khác nhau như phân phối cho các cửa hàng, đại lý, phổ biến hơn là bán lẻ ở các chợ, đặc biệt, gần đây, chủ hàng thường tổ chức bán hàng lưu động tại các vùng nông thôn trong tỉnh... Đặc biệt, tình trạng vận chuyển thịt động vật không rõ nguồn gốc đang là vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khi chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tháng, Đội QLTT cơ động (Chi cục QLTT) đã phát hiện và bắt giữ 4 vụ vận chuyển với hơn 2,4 tấn thịt động vật không rõ nguồn gốc, đã xử phạt hành chính với tổng số tiền 65 triệu đồng. Đáng chú ý, hầu hết các vụ vận chuyển đều diễn ra trong đêm khuya hoặc rạng sáng. Ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT cho hay, trên địa bàn tỉnh, hàng hóa vi phạm phần lớn được phát hiện ở khâu lưu thông. Khi lực lượng chức năng tổ chức điểm chốt tại các cửa ngõ ra vào thành phố thì lập tức các đối tượng chuyển sang những cung đường “vòng” khác, chẳng hạn như hàng lậu vận chuyển từ Đông Hà, Bình Định về thì giao ở huyện Krông Bông hoặc Krông Pắc, sau đó mới đưa vào tiêu thụ ở nội thành Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, đối tượng cầm đầu khá ranh mãnh, chỉ thuê tài xế xe khách, xe tải vận chuyển hàng vi phạm về giao lại cho các đối tượng khác tiêu thụ nên khi bắt quả tang, cơ quan chức năng rất khó xác định được chủ hàng. Điển hình như các vụ bắt quả tang xe hàng vận chuyển thịt động vật không rõ nguồn gốc từ Bình Định về, trong đó, có đến ¾ số vụ là không xác định được chủ hàng do tài xế khai nhận chỉ vận chuyển thuê với giá từ 80.000-100.000 đồng/thùng hàng để kiếm thêm thu nhập.

“Hút khách” vì giá rẻ, tâm lý sính ngoại

Trên thực tế, hàng giả, nhái được bày bán tràn lan và công khai từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh và chen chân ở khắp các ngành hàng từ mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, đến hàng điện tử, phân bón… Nhất là tại các chợ truyền thống, hàng giả, kém chất lượng, gắn mác hàng ngoại được phủ sóng khá rộng rãi và với lợi thế “giá bèo” đã trở thành “ma lực” có sức hấp dẫn nhiều NTD vùng sâu. Chợ Ea Tul (huyện Cư M’gar) có chưa đến 5 quầy mỹ phẩm, hàng hóa được bày bán ở đây khá đa dạng và không thiếu các thương hiệu nổi tiếng như Essance, LanCome, Maybeline… nhưng giá rẻ đến khó tin (!) Tại đây, còn có nhiều loại kem dưỡng da, tẩy trắng toàn thân được quảng cáo ngoài bao bì là “kem làm trắng da từ nhau thai cừu, collagen” hẳn hoi, nhưng giá chỉ vài chục ngàn đồng/hộp; cây maccara, son môi, phấn má hồng… bán ra cũng chỉ có giá 5.000-45.000 đồng/cây. Tương tự, tại các quầy hàng lưu động quanh khu vực chợ Tân An hoặc ngay trên vỉa hè các tuyến đường Lê Duẩn, Phan Chu Trinh…, mũ bảo hiểm giả Nón Sơn được bày bán công khai, giá chỉ 45.000 - 50.000 đồng/ sản phẩm, rẻ gần gấp 10 lần so với sản phẩm chính hãng. Theo một cán bộ Chi cục QLTT, tình trạng hàng hóa bị làm giả của các thương hiệu lớn như mỹ phẩm LanCome, giày dép Adidas, giỏ xách Gucci, Chanel… đã không còn thiếu vắng trên các quầy, sạp (làm ăn không cần uy tín), thậm chí tràn ra cả lề đường, vỉa hè, chỉ khổ cho NTD là để phân biệt hàng thật - giả là rất khó, bởi công nghệ làm giả bây giờ khá tinh vi, sắc sảo.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện một lượng lớn thịt động vật không rõ nguồn gốc từ tỉnh ngoài đưa vào Đắk Lắk.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện một lượng lớn thịt động vật không rõ nguồn gốc từ tỉnh ngoài đưa vào Đắk Lắk.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tổ chức, ổ, nhóm, đường dây buôn lậu, kinh doanh hàng giả, nhái mới, nhưng thủ đoạn của gian thương giờ đã khác trước rất nhiều. Hóa đơn của nhiều mặt hàng nhập lậu như quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nước giải khát… thường được quay vòng để qua mặt cơ quan chức năng. Riêng đối với hàng nhập khẩu thì gian thương thường nhập hàng nguyên liệu, sau đó sang, chiết đóng gói tại Việt Nam mà không ghi rõ hoặc cố tình ghi thiếu thông tin trên nhãn hàng nhằm gây hiểu lầm cho NTD…

Đỗ Lan

Kỳ 2: "Cuộc chiến" dài lâu

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.