Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Hồ tiêu Cư Kuin"

01:19, 06/09/2015

Hồ tiêu Cư Kuin đã được khẳng định trên thị trường trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để quảng bá thương hiệu mặt hàng nông sản này huyện Cư Kuin đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Hồ tiêu Cư Kuin". Dù phía trước vẫn còn một chặng đường dài phấn đấu, nhưng việc mạnh dạn xây dựng thương hiệu cũng đã mở ra nhiều tín hiệu khả quan cho hàng nông sản địa phương.

Tìm nhãn hiệu cho tiêu

Du nhập vào Cư Kuin từ những năm 50 của thế kỷ trước, cây tiêu đã thực sự tìm đúng đất sống, bởi năng suất và chất lượng cao hơn hẳn những vùng trồng tiêu khác, để từ đó được người dân phát triển thành cây hàng hóa mang lại lợi nhuận cao. Đến nay, diện tích hồ tiêu ở Cư Kuin đã phát triển trên 1.600 ha, trong đó có hơn 1.200 ha tiêu kinh doanh. Đáng chú ý, hồ tiêu trồng tại Cư Kuin cho năng suất cao hơn hẳn nhiều nơi khác, với trên 4 tấn/ha. Mặc dù diện tích và sản lượng lớn, nhưng hầu hết vườn tiêu ở đây đều được trồng tự phát, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm chưa được quản lý một cách bài bản, việc tiêu thụ sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nên hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao. Trước thực tế đó, tháng 9-2014, UBND huyện Cư Kuin đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Masterbrand (TP. Hồ Chí Minh)  bắt tay vào thực hiện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Hồ tiêu Cư Kuin" gắn với sản phẩm là hạt tiêu đen. Thư ký đề tài xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Hồ tiêu Cư Kuin" Lê Văn chia sẻ, nghe qua tưởng chừng như đơn giản, nhưng việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đối với một sản phẩm nông nghiệp không hề đơn giản như đối với các loại hàng hóa khác. Bắt đầu từ việc xây dựng quy trình chuẩn với việc trồng, chăm sóc cây hồ tiêu; xác định đặc tính (chất lượng, quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản…); so sánh đánh giá chất lượng hồ tiêu Cư Kuin với sản phẩm hồ tiêu của các vùng khác; thiết kế, lựa chọn và khẳng định mẫu nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu bảo hộ; xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng hồ tiêu mang nhãn hiệu chứng nhận Cư Kuin… Tất cả các bước phải được thực hiện đúng quy trình theo yêu cầu của đơn vị tư vấn. Sau gần 1 năm triển khai tích cực, mặc dù kinh phí thực hiện hạn hẹp (gần 186 triệu đồng), nhưng nhờ sự ủng hộ của người trồng tiêu trên địa bàn, đến nay các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hồ tiêu Cư Kuin đã hoàn thiện, chỉ còn chờ Sở Khoa học - Công nghệ thẩm định trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ cho nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”.

Vườn tiêu kinh doanh của người dân xã Ea Bhốk, Cư Kuin.
Vườn tiêu kinh doanh của người dân xã Ea Bhốk, Cư Kuin.

Nâng tầm sản phẩm

Về huyện Cư Kuin, một trong những địa phương trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh, dọc hai bên những tuyến đường liên xã, xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang, nằm xen trong những vườn tiêu xanh tốt. Tất cả những hình ảnh ấy có được là nhờ cây tiêu mang lại. Có thể thấy, ngay từ đầu khi đặt mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa, lãnh đạo huyện Cư Kuin cũng đã xác định hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực, đi đầu trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa của địa phương. Do vậy, song song với việc khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và chế biến hồ tiêu, giúp xây dựng quy trình kỹ thuật chọn giống, trồng, thu hái, chế biến, bảo quản và phát triển sản phẩm hồ tiêu bền vững…, huyện Cư Kuin quyết tâm xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” là một bước tiến lớn trong nhận thức về bảo hộ sản phẩm hàng hóa của địa phương. Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Nguyễn Năng Chung cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và thương mại; nâng cao uy tín sản phẩm để từ đó nâng cao giá trị kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, tất cả cá nhân, tổ chức sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên địa bàn sẽ được hưởng lợi do chứng nhận nhãn hiệu mang lại nên sẽ tạo nên động lực để hồ tiêu địa phương phát triển bền vững.

Việc xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” là bước khởi đầu để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và hướng đến tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu tốt để tổ chức chế biến, tạo ra những sản phẩm cao cấp, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng uy tín của hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.