Multimedia Đọc Báo in

Để đổi mới có hiệu quả các lâm trường quốc doanh

09:20, 11/03/2015
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các lâm trường quốc doanh có đóng góp không nhỏ, tạo ra một nguồn thu ngân sách đáng kể. Không chỉ biết dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các lâm trường quốc doanh còn có vai trò tái tạo ra tài nguyên mới qua chương trình trồng rừng, đồng thời qua đó cũng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, sợi và ván nhân tạo.
 
Về mặt môi trường, rừng là lá phổi xanh, có vị trí quan trọng trong điều hòa nguồn nước. Rừng và đất rừng đã nuôi sống hàng chục triệu người dân lao động và gia đình họ, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có vai trò trực tiếp hay gián tiếp của lâm trường quốc doanh.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đang tiến hành các biện pháp lâm sinh trong công tác quản lý bảo vệ rừng.   Ảnh: Lê Hương
Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đang tiến hành các biện pháp lâm sinh trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Lê Hương

Đảng ta đã đánh giá đúng hoàn cảnh ra đời và ghi nhận vai trò lịch sử của nông, lâm trường quốc doanh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, với Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16-6-2003  của Bộ Chính trị, những yếu kém của nông, lâm trường quốc doanh trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được chỉ ra. Đó là: “Hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều; quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn nhiều yếu kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông, lâm trường xảy ra ở nhiều nơi...”. Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và các nghị định của Chính phủ, trong 3 năm (2005-2007), hầu hết các nông, lâm trường quốc doanh đã được sắp xếp lại thành công ty nông, lâm nghiệp; diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được thành lập Ban quản lý dự án và giao cho các ban này quản lý. Phần diện tích đất đai sử dụng kém hiệu quả, bị dân cư xâm lấn, tranh chấp được giao cho chính quyền địa phương để giao cho các hộ nông dân làm đất ở, đất sản xuất, hoặc giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Có nhiều nguyên nhân khiến rừng và đất rừng bị thu hẹp nghiêm trọng, trong đó nổi lên là tình trạng xâm chiếm đất đai. Trong những năm kinh tế khó khăn, các địa phương có rừng sử dụng nguồn thu từ thuế rừng (tiền bán khoán lâm sản, tiền nuôi rừng, thuế tài nguyên) chi cho các mục đích khác cấp bách hơn; chỉ dành một khoản nhỏ để trồng rừng, cải tạo, chăm sóc rừng. Do chi phí không thỏa đáng nên chất lượng các chương trình nhiều khi mang tính quảng canh, kém hiệu quả. Chuyển qua thời kỳ “tấc đất tấc vàng”, cộng thêm môi trường pháp lý không bảo đảm, là chỗ yếu để dân cư xâm chiếm, chính quyền thu hồi giao cho nhà đầu tư.

Ngày 16-11-2011, sau khi làm việc với Bộ NN&PTNT về thực hiện tái cấu trúc nông, lâm trường quốc doanh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kết luận:“Sau gần chục năm thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, đến nay chưa đạt được tiến độ và nội dung như Chính phủ yêu cầu, chưa chuyển đổi căn bản nội dung quản lý, quản trị, chậm khắc phục tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo, hiệu quả thấp... Quá trình tái cấu trúc mới chỉ dừng lại ở việc đổi tên”. Thực tế đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 700 nông, lâm trường đã được sắp xếp trên phạm vi cả nước, quản lý hơn 5 triệu héc-ta đất nhưng hiệu quả kinh tế đóng góp cho xã hội thì vẫn còn thấp; tại nhiều công ty nông, lâm nghiệp, thu nhập từ tiền lương của công nhân thấp hơn mức lương tối thiểu hiện hành; mặc dù qua sắp xếp đã giao lại cho chính quyền địa phương gần 760 nghìn héc-ta đất, nhưng đất đai vẫn tiếp tục bị lấn chiếm hơn 76 nghìn héc-ta.

Tại sao việc sắp xếp, đổi mới và phát triển của lâm trường đến nay mới chỉ dừng lại ở việc đổi tên? Việc đất đai vẫn tiếp tục bị lấn chiếm là do môi trường pháp lý của rừng vẫn còn yếu, phần lớn các lâm trường chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Do đó không khởi kiện đòi bảo vệ quyền lợi được khi đất đai bị xâm chiếm trái phép. Cũng do đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, chưa tính được giá đất giá rừng và chưa thực hiện việc giao đất có thu tiền hoặc thuê đất nhà nước nên không thể kêu gọi góp vốn đầu tư hay thế chấp vay vốn phát triển sản xuất được. Một số công ty đã linh hoạt trong cách làm để có thể xoay sở, thích ứng với thực tế này. Đơn cử ở Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Sông Dinh (Bình Thuận), sau khi hoàn thành việc định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn quy hoạch lại sản xuất. Đối với đất có khả năng trồng cao su và rừng nguyên liệu, Công ty đã đứng ra thuê đất nhà nước, làm các thủ tục hành chính, gọi nhà đầu tư có năng lực tài chính vào liên doanh trồng cây. Khi hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản, Công ty được nhà đầu tư chia cho 10% diện tích vườn cây để tự chăm sóc, thu hoạch; 90% còn lại là của nhà đầu tư cho đến hết vòng đời của cây trồng. Phương pháp này là “cái khó ló cái khôn”, cực chẳng đã mới phải làm như thế chứ bao giờ có thể làm giàu được.

Tái cấu trúc lâm trường là vấn đề sống còn trong việc bảo vệ, phát triển và phát huy chức năng của rừng. Theo đó, thiết nghĩ, để đổi mới hiệu quả lâm trường quốc doanh, một là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị. Sau thời gian sắp xếp 2004-2010, hầu hết các công ty lâm nghiệp TNHH Một thành viên nên là đơn vị hoạt động công ích, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh lại các định mức xây dựng, bảo vệ rừng cho hợp lý; có chính sách tài chính phù hợp đối với phần thu của đơn vị; kiên quyết không cổ phần hóa rừng tự nhiên và những diện tích đất có khả năng phục hồi thành rừng tư nhiên. Hai là, đối với các lâm trường đã chuyển đổi, kinh doanh rừng trồng là chủ yếu thì hoạt động theo cơ chế công ty. Tuy nhiên, phần rừng phòng hộ, đặc dụng xen kẽ phải giao cho họ bảo vệ và được đầu tư chi phí, nếu để mất phải bồi thường và xử lý hình sự nếu đủ yếu tố. Ba là, cần nghiên cứu vai trò phòng hộ của rừng để có hình thức trả công hợp lý cho người làm rừng. 

Tái cơ cấu lâm trường quốc doanh theo hướng xóa bỏ bao cấp là việc làm rất khó. Tuy vậy, nếu ta biết rõ thực tế khách quan và giải quyết nó một cách logic, biện chứng thì tuy khó nhưng vẫn làm được.

Trần Quang Lựu

               (Vụ Địa Phương II, Văn phòng Trung ương)


Ý kiến bạn đọc