Multimedia Đọc Báo in

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động

09:23, 05/11/2014
Theo số liệu thống kê, huyện Krông Bông  hiện có trên 40.660 lao động đang tham gia làm việc trên các lĩnh vực; trong đó lao động chưa qua đào tạo chiếm 90,5%.
 
Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động (được thành lập năm 2012), Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Bông đã tổ chức được 9 lớp, đào tạo nghề cho trên 300 lao động ở nông thôn, trong đó có 80% lao động sau khi học nghề đã tự tạo được việc làm và thu nhập ổn định. Cụ thể, năm 2013, Trung tâm mở được 4  lớp, có 140 học viên; năm 2014, Trung tâm được giao kinh phí 250 triệu đồng để mở 5 lớp, đã thực hiện mở được 3 lớp chăn nuôi - thú y và 2 lớp  sửa chữa máy nông nghiệp cho 170 lao động,  đạt 100% kế hoạch được giao.
 
Ông Trương Hữu Phấn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện chia sẻ: “Do địa bàn huyện quá rộng, có xã nằm cách xa trung tâm đến gần 50 km, có thôn cách xa xã trên 15 km; thêm vào đó công tác tuyên truyền Đề án 1956 còn rất hạn chế, đa số người dân chưa nắm rõ nội dung của Đề án… nên việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, Trung tâm đã căn cứ vào điều kiện của địa phương và khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, tập trung dạy 3 nghề chính là: trồng trọt, chăn nuôi – thú y và sửa chữa máy nông nghiệp. Nhận thấy nếu mở lớp ở huyện thì số học viên tham gia sẽ không bảo đảm, do vậy Trung tâm đã phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng của các xã, thị trấn trong huyện mở lớp ngay tại cơ sở. Với cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian đi lại cho học viên, vừa thu hút được đông đảo người lao động tham gia học nghề. Nhờ đó đến nay Trung tâm đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2014 trước thời gian…”.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Phan Văn Tàu, thôn 9,  xã Hòa Sơn (Krông Bông).                                                  Ảnh: Phan Tuân
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Phan Văn Tàu, thôn 9, xã Hòa Sơn (Krông Bông). Ảnh: Phan Tuân

Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua Trung tâm Dạy nghề huyện cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho 39 lao động vay 750 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Qua số liệu khảo sát tại 4 xã: Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn và Hòa Phong, sau khi được đào tạo về chăn nuôi thú y, hầu hết các lao động đã sống được bằng nghề và có thu nhập khá. Điển hình như chị H’Mon Hlong (30 tuổi) ở buôn Plum, xã Ea Trul, sau khi học lớp chăn nuôi bò vỗ béo, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng cùng nguồn vốn của gia đình, chị đã mua 4 con bò trị giá 46.000.000 đồng để nuôi theo phương pháp nhốt chuồng. Sau một chu kỳ nuôi 5 tháng, khi xuất chuồng gia đình chị thu được 97.000.000 đồng, lãi trên 50.000.000 đồng. Chị H’Mon Hlong tâm sự: “Trước đây đồng bào mình chỉ nuôi bò thả rông nên lớn rất chậm, nuôi cả năm mà bán chẳng được bao nhiêu. Từ khi được Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức cho bà con học cách chăn nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng, mình áp dụng nuôi thử. Ngay lứa đầu tiên đã cho thu nhập cao hơn trước, mình phấn khởi lắm…”. Hoặc cũng có thể kể đến trường hợp của ông Dương Tấn Hào ở thôn 4, xã Hòa Phong. Gia đình ông Hào có 10 ngăn chuồng, thường xuyên nuôi 5 con heo nái và từ 20 con heo thịt trở lên. Nhờ nắm vững phương pháp nuôi heo, biết cách tiêm phòng trừ một số bệnh thông thường, nên đàn heo của gia đình ông phát triển tốt, giảm được chi phí; mỗi năm xuất chuồng 4 lứa, lãi ròng 50.000.000 đồng. Vừa qua gia đình ông đã xây được một ngôi nhà khang trang trị giá trên 300 triệu đồng…

Ông Trương Hữu Phấn cũng cho hay: Qua khảo sát cho thấy, hiện nay số gia đình có máy móc nông nghiệp trên địa bàn huyện là khá lớn, song ở các xã vùng sâu hầu như chưa có cơ sở sửa chữa nông cơ, nên mỗi khi bị hư hỏng người dân phải đưa đến trung tâm huyện sửa chữa, vừa tốn kém chi phí lại vừa mất thời gian. Vì vậy, trong thời gian tới Trung tâm Dạy nghề huyện sẽ tập trung mở các lớp đào tạo sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp ở các xã. Tuy nhiên, để duy trì mở lớp thường xuyên, Trung tâm rất mong tỉnh bố trí đủ biên chế giáo viên cơ hữu có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng nhu cầu dạy nghề cho lao động. Bên cạnh đó cần tăng thêm kinh phí đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe cho học viên. Vì theo Đề án, những đối tượng học viên là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp... được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/ngày;  đối với tiền tàu xe cho 1 học viên ở xa 15 km, trong toàn khóa học từ 3-4 tháng mà chỉ có 200.000 đồng là quá thấp. Đồng thời để phát huy hiệu quả hơn nữa mục tiêu của Đề án cần có sự quan tâm, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương cũng như sự ưu đãi về nguồn vốn từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân được vay sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc, nông cụ làm phương tiện sản xuất phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc