Multimedia Đọc Báo in

Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS:

Tăng năng lực tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh

07:30, 25/04/2024

Hội thi giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp giỏi trung học cơ sở (THCS) cấp tỉnh năm học 2023 – 2024 do Sở GD-ĐT vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đã mang lại những kinh nghiệm thực tế cho giáo viên trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại trường.

Sôi động từng tiết học

Tham gia hội thi, 189 thí sinh là giáo viên ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hai phần thi gồm: trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân tại trường học, nơi giáo viên đang làm việc; thực hành một tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực tế.

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Loan (giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, thị xã Buôn Hồ) giới thiệu về sản phẩm nghề đan lát và đặc trưng của nghề cho học sinh lớp 7A, Trường THCS Đoàn Thị Điểm.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, nội dung biện pháp nâng cao chất lượng của các thí sinh và tiết thực hành dạy học thực tế đã đáp ứng yêu cầu đề ra: sách giáo khoa là tài liệu tham khảo; thí sinh đã có sự phân tích tâm lý lứa tuổi thiếu niên (thích tìm tòi, khám phá, thể hiện bản thân của học sinh) để có phương pháp giáo dục phù hợp. Qua đó, các em có thể học được kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm (mỗi học sinh tham gia một công đoạn trong hoạt động nhóm) theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; để học sinh giữ được vai trò chủ đạo trong tiết học (trải nghiệm lấy kinh nghiệm để lĩnh hội kiến thức)…

Đơn cử như tiết học “Tìm hiểu đặc trưng của một số nghề hiện có ở địa phương” (chủ đề Khám phá thế giới nghề nghiệp) của thí sinh Hoàng Thị Thu Hà (giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) tại lớp 7A6, Trường THCS Tân Lợi đã diễn ra rất sôi động khi thu hút được sự quan tâm, hứng thú tham gia của tất cả học sinh trong lớp. Theo đó, tiết học được mở đầu bằng hoạt động trình diễn thời trang về trang phục nghề nghiệp: thợ điện, bác sĩ, kỹ sư, lính cứu hỏa… Dựa vào trang phục, thí sinh đã giới thiệu về nghề nghiệp và các nét đặc trưng của từng nghề theo chủ đề tiết học cho học sinh; công việc cụ thể của từng nghề; kỹ năng cần có của mỗi nghề…

Tương tự, tiết dạy của thí sinh Nguyễn Thị Thanh Loan (giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, thị xã Buôn Hồ) tại lớp 7A, Trường THCS Đoàn Thị Điểm cũng để lại những dấu ấn đậm nét ở hội thi. Mở đầu tiết học, học sinh tự giới thiệu nghề bằng trang phục truyền thống và sản phẩm cụ thể của nghề dệt thổ cẩm (váy, áo), đan lát (gùi), trồng cà phê (quả, hạt, cà phê bột), làm gốm (lọ hoa)… Riêng phần thực hành trải nghiệm: học sinh được xem video hướng dẫn cách đan lát đơn giản; thực hành đan lát tại lớp theo bốn nhóm để nắm được yêu cầu đặc trưng của nghề truyền thống (khéo tay, kiên trì…). Qua tiết học, học sinh có những trải nghiệm thực tế về nghề truyền thống và tự định hình về giá trị của nghề truyền thống trong thị trường nghề nghiệp; hiểu về yêu cầu nghề nghiệp và xem xét bản thân có phù hợp với nghề truyền thống hay không.

Em H'Tường Vi Niê, học sinh lớp 7A, Trường THCS Đoàn Thị Điểm hồ hởi: “Đây là tiết học thú vị khi em được mang trang phục truyền thống; được thực hành đan lát tại lớp cùng các bạn và nhóm em đã đạt được điểm tối đa trong hoạt động này. Em thấy thích nghề truyền thống và có thêm sự lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai”.

Tích lũy kinh nghiệm

Ngoài thúc đẩy sự đổi mới, tìm tòi trong cách thức tổ chức tiết học để đạt được điểm tối đa, các thí sinh tham gia hội thi còn có những trải nghiệm đáng nhớ khi giảng dạy ở một ngôi trường khác với những học sinh mới. Cô Nguyễn Thị Thanh Loan nhớ lại: “Giáo viên chuẩn bị kỹ về nội dung, kịch bản tiết học và sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp nhưng sự thành công của tiết học lại cần những phối hợp, tương tác tích cực từ học sinh. Tôi rất vui khi học sinh tham gia tiết học rất tích cực và điều đó đã giúp tôi đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi”.

Học sinh lớp 7A6, Trường THCS Tân Lợi trình diễn thời trang nghề nghiệp trong tiết học hướng nghiệp tại hội thi.

Trên thực tế, tiết dạy là của thí sinh dự thi nhưng để triển khai theo đúng thời gian quy định của hội thi thì các giáo viên cũng cần sự hỗ trợ rất nhiều từ đồng nghiệp cùng trường cũng như trường học – nơi tổ chức hội thi, như hỗ trợ dụng cụ trợ giảng, kỹ thuật khi kết nối máy để thực hiện tiết dạy... Thầy Hà Văn Vương, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lợi cho biết, bám sát kế hoạch chung của hội thi, nhà trường đã có sự điều chỉnh thời khóa biểu của các khối lớp để các thí sinh thực hiện phần thi thực hành tiết dạy của mình. Sự chuẩn bị chu đáo từ dụng cụ trợ giảng đến nội dung bài học của thí sinh đã đem đến những tiết học thú vị, “cao cấp” cho học sinh của trường. 

Giáo dục THCS là bậc học quan trọng và có nhiều sự đổi mới, nhất là cách thức tổ chức giảng dạy. Theo Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thì hội thi là cơ hội để giáo viên học tập, chia sẻ, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực nghề nghiệp. Các thí sinh tham gia hội thi đã có sự sáng tạo từ nội dung, biện pháp đến thực hành thực tế tại lớp, không quá phụ thuộc vào sách giáo khoa. Điều này chứng tỏ giáo viên THCS đã bắt nhịp được sự đổi mới hoạt động giáo dục theo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc