Multimedia Đọc Báo in

“Phép màu” của Trương Thiếu Huyền

07:34, 21/04/2024

Trương Thiếu Huyền, tên thật Nguyễn Văn Trường. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Học viện Báo chí - Tuyên truyền; từng đi bộ đội, dạy học, làm báo, hiện sinh sống tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Trương Thiếu Huyền là một nhà thơ có những tác phẩm rất ấn tượng, độc đáo trong ngôn từ và sâu sắc trong ý tứ, đặc biệt với những sáng tác viết cho trẻ em. Từ năm 1990, anh đã đoạt giải Ba về thơ Cuộc thi sáng tác văn nghệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Tập đếm” là tập thơ thiếu nhi của Trương Thiếu Huyền, do Nxb Kim Đồng ấn hành năm 2013. Tập thơ “Phép màu” do Nxb Kim Đồng vừa ấn hành là tập thơ thiếu nhi mới nhất của anh.

Trong lời giới thiệu “Phép màu”, nhà thơ Kim Chuông nhận định: “Viết cho các em, Trương Thiếu Huyền luôn mở rộng biên độ khai thác.

Từ tạo dựng những bức tranh thiên nhiên, cảnh vật đến những chuyện vui trong đời sống sinh hoạt trẻ thơ.

Trương Thiếu Huyền còn ý thức đem đến cho các em những kiến văn về lịch sử, văn hóa. Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, và niềm tự hào truyền thống dân tộc được Trương Thiếu Huyền khai thác và biểu hiện khá hay (Từ từ biết hết, Bạn nhận ra tôi không?).

Gần bốn mươi năm cầm bút, Trương Thiếu Huyền viết đều, viết chắc, viết tinh lọc, chọn lựa, và không ham in nhiều, khẳng định anh vô cùng trân trọng việc sáng tác cho các em. Nhà thơ của những trang viết tươi non, trong trẻo, ngộ nghĩnh, mát lành và hữu ích. Nhà thơ của rất nhiều niềm tin yêu, hẹn đợi trước đông đảo công chúng bạn đọc, bạn viết”.

Điển hình hơn cả, ở bài thơ “Phép màu” cũng là tựa đề của tập thơ, tác giả viết : “Chuyện xưa tiên bụt/ Ban cho phép màu/ Diệt trừ gian ác/ Cứu người khổ đau/ Phép màu thế nào/ Tôi chưa được biết/ Có như cầu vồng/ Bất ngờ xuất hiện/ Phép màu đã đến/ Lúc tôi ngủ khì/ Khi mở mắt dậy/ Có sữa bánh mì/ Nhà tôi có bụt/ Nhà tôi có tiên/ Ông bà tôi đó/ Khi cần hiện lên”.

Thật vậy, chỉ bằng cách diễn đạt đơn giản thế thôi, từ chỗ chưa được biết gì, đến cái bất ngờ xuất hiện…, chỉ là những điều rất thật, mà tác giả dẫn dắt các em đến với thế giới thần tiên gần gũi, nhanh chóng vô cùng…

Ở bài thơ “Chọn chữ học trước”, trước cái việc khó khăn bây giờ đều phải chọn chữ A, theo trật tự bảng chữ cái tiếng Việt, thì bây giờ tác giả lại hướng các em đến một cách giải quyết vui tươi, hóm hỉnh: “Chào năm học mới/ Trang vở tươi màu/ Chữ nào học trước/ Các bạn nói mau/ Chó liền gâu gâu/ Chữ “G” học trước/ Gà như chợt thức/ Chữ “O” chữ “O”… Cứ như vậy, chữ nào được nói nhiều nhất thì chọn học trước  thôi. Vì chó hay sủa “gâu, gâu” thì chọn chữ “G” học trước là đúng rồi, còn những con vật khác mỗi con đề nghị chữ học trước theo tiếng của loài mình.

Hoặc ở bài thơ “Mèo và chó”: “Mèo học tiếng Chó/ Chó học tiếng Mèo/ Hóa ra ngoại ngữ/ Không khó lắm đâu/ Trước đây Mèo, Chó/ Ít chơi với nhau/ Giờ có ngoại ngữ/ Bên nhau rất lâu”. Có thể đây là một vấn đề “khó” của ngành giáo dục, nhưng qua cách giải quyết hồn nhiên, ngộ nghĩnh, tác giả đã tạo nhịp cầu để trẻ em tiếp nhận dễ dàng.

Đặc biệt, trong tập thơ này, Trương Thiếu Huyền thể hiện sở trường thể loại thơ 4 - 5 chữ, rất phù hợp và dễ thuộc với trẻ em. Trong đó, những bài đáng yêu nhất như: “Ve ơi”, “Tôi là Quang Hải”, “Em vào lớp một”, “Hòa bình trái đất”, “Chuyện mình hồi bé”, “Từ từ biết hết”, “Như đồng dao”, “Mèo và Chó”, “Con chữ”, “Mầm, chồi, lá”...

Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế để chia sẻ và chúc mừng cùng tác giả “Phép màu”: “Đọc Trương Thiếu Huyền chúng ta thấy đời sống đương đại thực diễn qua tri cảm tường minh của người già đa truân nhưng được tự nhiên nhân tính hóa toàn triệt vào không gian trẻ thơ sinh phát.

Mọi dịch chuyển của đất trời, của người, của vật dựng tạo cảnh huống, tiếp biến cảm xúc dẫn đến xác lập ngôn ngữ đặc trưng gợi hướng giúp đứa trẻ hình thành ý thức tự ngộ về giá trị nhân sinh tưởng là thụ động nhưng thực chất là chủ động do tâm tài của tác giả phổ vào mỗi li ti câu chữ.

Đây là đẳng cấp mà muôn người viết cho trẻ em luôn canh cánh ý thức vươn đến, nhưng tiếc, chẳng mấy ai đạt ngưỡng. Phép màu quả là phép màu của 32 câu chuyện sinh động, 32 tình thế thơ phảng yếu tố kịch tiếp cận hồn nhiên với kẻ đọc, dù người lớn, dù trẻ em, Trương Thiếu Huyền không răn, không giảng mà thủ thỉ trầm giọng kể tùy khúc.

Một hệ thống hình tượng đa bội thông tin dội đến, thấm ngậm, bật trở lại đời sống những nghiệm sinh khai mở cùng các em song hành tự tin “dưới chân” những người lớn không phải lúc nào cũng an yên”.

    Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc