Multimedia Đọc Báo in

Ý nghĩa lớn từ mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ

07:46, 24/12/2023

Khoảng 25 năm trước, lúc còn làm phóng viên Báo Lao Động, một lần về TP. Hồ Chí Minh họp, đi dạo ở Dinh Thống Nhất, tôi đã may mắn được gặp và nói chuyện với Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 lừng danh trong kháng chiến chống Pháp, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không quân. 

Hôm ấy Trung tướng Nguyễn Văn Tiên (đã nghỉ hưu) đi dạo và đang ngồi nghỉ trên một ghế đá trong Dinh Thống Nhất. Khi nghe người phục vụ giới thiệu tôi là phóng viên của Báo Lao Động, ông khen báo có nhiều bài viết hay, có tính chiến đấu cao, song ông cũng không đồng tình với cách sử dụng nhiều từ ngữ nước ngoài trong một số bài báo, trong khi tiếng Việt đã có sẵn những từ ngữ đó. Rồi ông kể cho tôi nghe một mẩu chuyện về ý thức trân trọng, gìn giữ, đề cao chữ quốc ngữ và tiếng Việt, đề cao cách sử dụng từ ngữ phổ thông dễ hiểu cho nhiều người của Bác Hồ.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Trung tướng Nguyễn Văn Tiên kể: Đấy là một ngày đầu xuân năm 1961, Bác Hồ đi công tác ở Trung Quốc. Buổi sáng hôm ấy Bác dậy sớm, từ Phủ Chủ tịch đi sang sân bay Gia Lâm chỉ mới khoảng 6 giờ. Không khí còn lành lạnh hơi sương. Anh em làm nhiệm vụ, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Tiên (lúc ấy là Tham mưu trưởng Cục Không quân) cũng đã có mặt tại sân bay để kiểm tra lần cuối các công việc chuẩn bị cho chuyến bay. Bác rất vui vẻ, nụ cười rạng rỡ, đến bắt tay từng cán bộ đang làm nhiệm vụ. Sau đó, Bác đứng ung dung, phóng tầm mắt nhìn lên bầu trời và nhìn khắp sân bay. Thế rồi Bác quay sang hỏi đồng chí Nguyễn Văn Tiên: “Chú Tiên ơi, chú cho tôi hỏi ai phụ trách sân bay này?”. Đồng chí Nguyễn Văn Tiên trả lời: “Dạ, thưa Bác, phụ trách ở đây là Trung tá Nguyễn Văn Đàm ạ”. Bác bảo: “Chú gọi giúp chú Đàm đến đây hộ tôi”.

Được tin, Trung tá Đàm vội vàng bước nhanh tới chỗ Bác. Bác cười, bắt tay Trung tá Đàm, rồi hỏi thân mật: “Chú có biết tiếng Pháp không?”. Trung tá Đàm trả lời: “Dạ, cháu có biết” (anh Đàm từng là viên chức thời Pháp). “Vậy chú đọc và dịch hộ Bác mấy chữ trên cái xe ô tô chở xăng kia” – “Dạ thưa bác, đó là chữ “Inflamable”, có nghĩa là “dễ cháy”, hoặc là “dễ bắt lửa”.  Bác khen: “Chú đọc và dịch chính xác”. Rồi Bác hỏi tiếp: “Thế trong đơn vị chúng ta có bao nhiêu người biết tiếng Pháp?”. Trung tá Đàm thành thật: “Dạ, chỉ vài ba người biết thôi ạ”. Bác cười và nói nhỏ nhẹ: “Vậy là có nhiều người không biết, không hiểu mấy chữ đó. Không biết, không hiểu thì làm sao thực hiện tốt việc phòng cháy, cấm lửa ở đây. Tiếng Việt của chúng ta có mấy chữ “cấm lửa” ý nghĩa rõ ràng như vậy, ai cũng hiểu, sao các chú không dùng? Việc này cần phải khắc phục ngay chú Đàm ạ”. Trung tá Đàm đứng nghiêm nghe lời Bác và hứa: “Dạ thưa Bác, chúng cháu sẽ khắc phục ngay trong hôm nay ạ”.

Kết thúc đợt công tác ở Trung Quốc, Bác trở về, xuống sân bay, thấy tất cả những ô tô chở xăng và những nơi khác ở sân bay trước đây dán chữ  “Inflamable” đều đã được thay bằng chữ “Cấm lửa”, Bác rất vui, đến bắt tay từng cán bộ làm việc ở sân bay, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Tiên và Trung tá Nguyễn Văn Đàm. Bác khen: “Các chú khắc phục ngay việc Bác nhắc nhở hôm trước như thế là tốt. Ở đây toàn cán bộ, chiến sĩ của ta, ta nên dùng chữ của ta để ai cũng hiểu. Đấy cũng là ý thức bảo vệ, gìn giữ và tôn vinh chữ ta, tiếng ta. Đấy cũng là nguyên tắc tuyên truyền vận động quần chúng: sử dụng từ ngữ, tiếng nói, cách nói phải dễ hiểu để quần chúng nhân dân biết mà thực hiện...”.

Phan Vũ


Ý kiến bạn đọc