Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ từng cảnh báo nạn “con ông cháu cha”

07:30, 24/12/2023

Trong Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Khoản 5, Điều 6 của Quy định ghi rõ: “Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

Quy định này được xem là giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn “con ông cháu cha” gây nhức nhối trong công tác cán bộ nhiều năm qua.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” ăn sâu trong tâm thức của người Việt. Đấy là hệ quả tất yếu của văn minh nông nghiệp với tổ chức bộ máy nhà nước lấy đơn vị làng xã làm nền tảng đã được định hình từ hàng nghìn năm nay.

Làng xã xưa được hình thành trên cơ sở cư dân của một vài dòng họ cho nên họ nào có người nắm quyền (làm quan) thì sẽ có nhiều lợi thế (được nhờ) bởi quyền hành (cai trị làng xã) nằm trong tay người trong họ. Ở cấp độ vĩ mô, tư tưởng ấy được mặc định thành công thức nước là vua, vua là nước. Cho nên khi một dòng họ khởi nghiệp dựng nên triều đại mới thì quyền lực cai trị nhà nước cũng mặc nhiên nằm trong tay dòng họ đó mà người đại diện tối cao là vua, chúa. Suốt hàng nghìn năm tồn tại của chế độ phong kiến, cách tổ chức quản trị nhà nước từ làng xã đến trung ương đều tuân thủ theo huyết thống, dòng họ (Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa). Đấy là nguyên nhân cơ bản khiến cho xã hội phong kiến trì trệ trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của nó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana năm 2018. Ảnh: Hoàng Gia

Chỉ đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì lề thói tổ chức bộ máy hành chính cũ kỹ, lạc hậu ấy mới được phá bỏ, thay vào đó là một nền dân chủ mới, trọng dụng người có tài, có đức ra phụng sự việc nước.

Ngay từ buổi bình minh của chế độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, “kiến trúc sư” của nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới đã lường trước được những hệ lụy mà tư tưởng phong kiến lạc hậu vẫn còn tồn tại, nhất là trong hàng ngũ công chức nhà nước lúc bấy giờ. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Bác cảnh báo 6 lỗi lầm mà các vị công bộc của dân phạm phải. Trong 6 lỗi lầm mà Người nêu ra, có lỗi lầm thứ tư là: “Tư túng – Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.

Từ lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy: Tư tưởng bè phái, dòng họ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận công chức của chế độ mới thể hiện qua việc lôi kéo bà con, bạn hữu không có tài năng gì vào chức này, chức nọ. Tư tưởng ấy còn tồn tại thì người có tài, có đức không có đất dụng võ (Người dùng chữ “đẩy ra ngoài”). Tư tưởng ấy biến việc công thành việc riêng, mưu lợi cho bản thân, gia đình, họ hàng.

Ngày nay, câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” dường như đã biến đổi về lượng. Khi những vụ “cả họ làm quan” bị phanh phui, báo chí và dư luận lên tiếng, không ít các vị lãnh đạo có trách nhiệm liên đới đều khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Toàn bộ quy trình về công tác cán bộ đều theo đúng quy định, quy trình, đúng quy hoạch”. Thế nhưng, dù việc bổ nhiệm, tuyển dụng “con ông cháu cha” được cho là chặt chẽ, đúng quy trình thì dư luận vẫn nghi ngờ tính minh bạch của nó khi bộ máy công quyền có nhiều công bộc nắm các vị trí quan trọng là người nhà của một dòng họ, là cấp dưới của người lãnh đạo có con cháu đang được xem xét bổ nhiệm.

Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh gói trọn tâm huyết của mình ở câu kết của bức thư: “Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”. Đó cũng là tâm huyết của nhân dân, của Đảng về một nền hành chính công minh bạch, trong sạch, quy tụ được một đội ngũ cán bộ, nhân viên với những con người hết lòng hết sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc