Multimedia Đọc Báo in

Kế thừa và sáng tạo âm nhạc cồng chiêng

08:36, 16/09/2018

Xưa kia cồng chiêng chỉ dùng trong nghi lễ, ngày nay cồng chiêng Tây Nguyên đã dần thoát ra khỏi môi trường “thiêng” và ngày càng được đưa vào sử dụng như những hoạt động văn hóa - văn nghệ phổ biến trong đời sống đương đại.

Những biểu hiện sinh động

Nhiều người cho đó là bước đi tất yếu, phù hợp với đời sống xã hội của   các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ hiện nay. Cố nhiên, một khi đã đi vào đời sống mới với tư cách là hoạt động văn hóa - văn nghệ phổ biến (chứ không bao hàm ý nghĩa rộng lớn là Không gian Văn hóa cồng chiêng như UNESCO đã vinh danh) thì loại hình âm nhạc này phải có sự sáng tạo không ngừng dựa trên những giá trị, nguyên dạng đặc trưng của dàn cồng chiêng cổ truyền.

Cồng chiêng tham gia Lễ hội đường phố trong dịp Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI - năm 2017 đã mở ra không gian mới cho nghệ nhân trình diễn  âm nhạc cồng chiêng.  Ảnh: L.Hương
Cồng chiêng tham gia Lễ hội đường phố trong dịp Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI - năm 2017 đã mở ra không gian mới cho nghệ nhân trình diễn âm nhạc cồng chiêng. Ảnh: L.Hương

Có thể nói, xu thế này đang được nhiều đội chiêng trên địa bàn Đắk Lắk hiện thực hóa một cách sinh động và có hiệu quả. Ví như đội chiêng buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột), trong quá trình biểu diễn trong nước và quốc tế, ngoài những bài chiêng cổ do ông bà để lại, họ đã sáng tác thêm nhiều bài chiêng mới như “Kông tar” (Chong chóng quay), “Pliêr” (Mưa đá) dựa trên vốn âm nhạc dân gian Êđê truyền thống. Nghệ nhân Ama Pô, Đội trưởng đội cồng chiêng nổi tiếng này cho biết, cả hai bài chiêng mới ấy đã cuốn hút công chúng thưởng thức khắp nơi, đến nỗi Ủy ban Âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương đã chọn những tác phẩm này làm tư liệu lưu trữ cho dòng âm nhạc dân gian trong khu vực.

 
 “Tạo nên một đời sống mới cho cồng chiêng ngân vang là trách nhiệm, đồng thời cũng là nhu cầu của các thế hệ nghệ nhân tiếp nối". 
 
Nghệ nhân Y Thim Byă, đội chiêng buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột

Đến nay, các nghệ nhân buôn Kô Siêr tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nên những bài chiêng mới: “Ching ngàn mưa đá”, “Lời của gió, lời của Bazan”, “Ngân nga nhà dài”, “Chiều trên bến nước”… khiến người thưởng thức say mê, cuốn hút nhờ yếu tố mới mẻ và rất đời thường chứa đựng trong mỗi bài chiêng.

Theo nghệ nhân Y Míp Ayun, thành viên đội chiêng buôn Kô Siêr thì nhờ những bài chiêng mới này mà họ luôn được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi và trong mọi không gian cho phép, không còn bó buộc như xưa. Hơn thế nữa, trong quá trình sáng tạo, các nghệ nhân đã chủ động cải tiến, cách tân hàng âm của cồng chiêng cổ truyền cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt, diễn xướng rộng mở và giàu mục đích trong đời sống hiện nay.


Bảo tồn gắn với phát triển       

Nói rõ thêm về điều này, nhiều nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng cho rằng, sự cải tiến, cách tân cho dàn chiêng truyền thống là cần thiết để bảo tồn và phát triển vốn di sản này, ít nhất là về mặt hiệu quả âm nhạc của cồng chiêng mang lại.

Nghệ nhân Y Goh Niê hướng dẫn các em thiếu nhi buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) cách đánh chiêng.    Ảnh: N.Gia
Nghệ nhân Y Goh Niê hướng dẫn các em thiếu nhi buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) cách đánh chiêng. Ảnh: N.Gia

Ai cũng biết một dàn chiêng Aráp, hoặc Knăh có ít nhất 7 chiếc - tương ứng với 7 nghệ nhân diễn tấu. Trong bối cảnh sinh hoạt cồng chiêng thay đổi như hiện nay thì việc chỉnh sửa, bổ sung và sắp xếp lại hàng âm cho phù hợp (chứ không phải thay đổi theo lối “âu hóa” như nhiều người cảnh báo, phê phán) để tăng cường khả năng và nhu cầu diễn xướng cho nghệ nhân. Ông Y Míp cho hay, nhờ sắp xếp lại hàng âm từ dàn chiêng cổ truyền nên chỉ cần 3 người (thay vì 7 người) là có thể diễn tấu được một bài chiêng trọn vẹn. Tất nhiên, việc “rút gọn” lại về mặt phiên chế các dàn chiêng nói trên,  nghệ nhân vẫn không làm mất đi sự độc đáo và đặc trưng nổi trội trong vốn âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình.

Rõ ràng, sự kế thừa và phát triển vốn văn hóa cồng chiêng để tự nuôi dưỡng đời sống tinh thần cũng như vật chất của mỗi cộng đồng dân tộc trong đời sống đương đại là điều cần thiết và cần được phát huy. Có như vậy cồng chiêng mới có thêm điều kiện và cơ hội để rộn rã ngân vang không những trong các buôn làng, mà còn hiện diện sinh động, gần gũi trong những không gian khác.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia