Multimedia Đọc Báo in

Du lịch với những con số đầu năm

12:56, 14/03/2016

Con số mà Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT-DL) đưa trong những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016 vừa qua quả là ấn tượng: Từ ngày 8-2 đến ngày 14-2-2016, các cụm - điểm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk đã đón hơn 83.000 lượt khách, tăng 55% so với cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng 71% so với năm ngoái.

Vui hay không trước những con số vừa nêu? Một nhà quản lý du lịch cho rằng, cái gì tăng lên mà chẳng vui, nhưng phân tích thêm từ những con số ấy mới bật nẩy nhiều vấn đề đáng quan tâm. Cứ đem doanh thu 4 tỷ đồng chia cho 83.000 lượt khách thì sẽ biết một du khách đến đây tiêu bao nhiêu tiền, tính ra chưa tới 500.000 đồng/ lượt khách! Số tiền này ít hay nhiều không quan trọng, điều đáng nói ở đây là giá trị gia tăng của ngành du lịch được tạo ra để phục vụ du khách thật sự có vấn đề (!?) Trước hết là sản phẩm du lịch quá đơn điệu, nhàm chán và chồng chéo nhau. Nhiều du khách phản ánh: Đến đâu cũng vậy (Buôn Đôn hay hồ Lắk), hết cưỡi voi lại cơm lam, gà nướng… thì làm sao có cơ hội mà tiêu tiền. Trong khi “triết lý” kinh doanh của du lịch là làm sao “móc túi” của du khách một cách vui vẻ và thân thiện”. Người làm du lịch giỏi phải là người buộc du khách hài lòng dốc hết tiền trong túi trước khi ra về. Đằng này, con số 500.000 đồng/ lượt khách chi ra khi đến Đắk Lắk thăm thú, vui chơi là quá “khiêm tốn”. Thêm nữa, theo Hiệp Hội Du lịch cho hay, trong dịp Tết vừa qua, cũng như 2 tháng đầu năm 2016, thời gian lưu trú của du khách tại Đắk Lắk quá thấp, bình quân không được 1 ngày/đêm. Nguyên nhân vẫn là rất cũ: thiếu vắng sản phẩn du lịch hấp dẫn và khác biệt, cộng thêm các dịch vụ đi kèm chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Một công ty lữ hành ở TP. Buôn Ma Thuột đã chứng thực điều đó, khi họ cho biết không ít tour đến đây bị “bể” hợp đồng do phía cung cấp sản phẩm du lịch - dịch vụ không đủ điều kiện thu hút, thuyết phục du khách ở lại, khiến họ nhanh chóng quyết định ra về sớm hơn dự định, vì vậy thời gian lưu trú không nhiều là điều đương nhiên.

Ở đây phải nói thêm rằng, con số mà Phòng Nghiệp vụ Du lịch đưa ra còn cho thấy một điều không lấy gì làm lạc quan lắm, khi trong tổng số lượt khách đến Đắk Lắk nói trên có tới 90% là khách nội địa (chủ yếu trong tỉnh), khách quốc tế chỉ hơn 5.000 lượt. Thực tế ấy khiến nhà quản lý, doanh nghiệp làm du lịch ở đây phải suy nghĩ: Làm sao để vùng đất này phải là “điểm đến” đúng nghĩa của du khách.

    Phương Đình


Ý kiến bạn đọc