Multimedia Đọc Báo in

“Cuộc chiến” lãnh thổ làm căng thẳng quan hệ Nga - Nhật

12:44, 17/10/2010
Việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev có kế hoạch đến thăm 4 hòn đảo tranh chấp ở khu vực Thái Bình Dương đã làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa Nga và Nhật Bản.

Lâu nay, Nhật Bản và Nga tranh chấp nhau 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nhật đã “nhượng lại” cho Liên Xô sau khi thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, trên cơ sở tuyên bố Nhật-Xô năm 1956, Liên Xô đã cam kết trả lại hai đảo Habomai và Shikotan trong quần đảo Kuril cho Nhật. Tuy nhiên, cách đây vài năm, phía Nhật lại đòi Nga trả lại cả hai hòn đảo lớn hơn là Etorufu và Kunashiri bởi theo họ, hai đảo trên không nằm trong quần đảo Kuril. Ngọn lửa tranh chấp này đã cháy âm ỉ cho đến tận ngày nay dù hai nước đã nhiều lần cố gắng dập tắt nó.
Việc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Kuril khiến quan hệ Nga - Nhật trở nên căng thẳng
Việc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Kuril khiến quan hệ Nga - Nhật trở nên căng thẳng (Ảnh: Internet)

Mới đây, ngọn lửa trên lại có dịp bùng lên khi Tổng thống Medvedev tuyên bố, 4 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kurils theo tiếng Nga hay còn gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc theo tiếng Nhật Bản là “một khu vực quan trọng” của Nga và ông chắc chắn sẽ “có chuyến thăm đến quần đảo này trong tương lai gần".
Kế hoạch trên được Tokyo coi là một hành động có tính khiêu khích bởi chưa có Nhà lãnh đạo Nga nào từng làm như vậy từ trước đến nay.
"Cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật phần lớn liên quan đến một thỏa thuận khá mập mờ có tên là Hiệp ước Hòa bình San Francisco giữa các cường quốc đồng minh và Nhật Bản năm 1951", ông David McLellan, một giáo sư nghiên cứu về châu Á thuộc trường Đại học Waseda, nhận định. Theo ông này, "Hiệp ước Hòa bình San Francisco quy định Nhật Bản phải từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Kuril nhưng cũng không công nhận trao chủ quyền nhóm đảo này cho Liên Xô. Đây chính là chỗ gây tranh chấp giữa hai nước". "Về phần mình, Nga tin rằng chủ quyền của họ đối với quần đảo Kuril đã được công nhận từ cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, rất lâu trước khi có Hiệp ước Hòa bình San Francisco ký năm 1951", trong khi Nhật Bản tin là những hòn đảo đó là một phần của khu Nemuro thuộc quận Hokkaido của nước này, giáo sư McLellan cho biết.
Ngọn lửa căng thẳng tiếp tục cháy
Ngọn lửa căng thẳng trong quan hệ Nga-Nhật tiếp tục được đốt nóng khi Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara triệu hồi Đại sứ Nga Mikhail Bely đến để bày tỏ sự phản đối với những phát biểu của Tổng thống Medvedev gần đây.
Ngoại trưởng Maehara đã nói với Đại sứ Bely rằng, ý định thực sự của Nga “rất đáng nghi ngờ” và rằng việc Tổng thống Medvedev đến thăm quần đảo Kuril sẽ “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Nga - Nhật".
Moscow nhanh chóng đáp trả bằng tuyên bố: phản ứng của Tokyo là hết sức phi lý.
Trong khi đó, ông Konstantin Kosachyov, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma (Quốc hội) Nga, thì coi những phát biểu mới đây của tân Ngoại trưởng Nhật Bản là “không thích hợp". Theo ông Kosachyov, “việc Tokyo đòi chủ quyền đối với quần đảo Kuril chỉ khiến cho tình hình rơi vào bế tắc. Quần đảo Kuril đã và sẽ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nga và vì thế, Tổng thống cũng như các công dân khác của chúng tôi có đủ lý do để đến thăm những hòn đảo ở đây mà không cần sự cho phép của bất kỳ ai, trong đó có Nhật Bản".
Quan điểm của ông Kosachyov đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Andrei Nesterenko – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga. Ông Nesterenko cho rằng những phát biểu của Nhật Bản về kế hoạch đi thăm quần đảo Kuril của Tổng thống Medvedev là “vô lý và không thể chấp nhận được". "Chúng tôi thấy rất cần phải nhắc lại là những hòn đảo đó là một phần lãnh thổ của Liên bang Nga theo thực tế pháp luật quốc tế và theo Hiến chương Liên hiệp quốc", ông Nesterenko nhấn mạnh.
Theo nhật báo Kommersant của Nga, những bất đồng mới gần đây giữa Nga và Nhật Bản đã cho thấy vấn đề tranh chấp quần đảo Kuril không thể giải quyết sớm trong thời gian trước mắt.
Tranh chấp Nga-Nhật: Khó giải quyết vì thiếu đối thoại
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản mới đây đã đăng một bài bình luận, theo đó, việc Moscow sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại về vấn đề quần đảo Kuril trong khi Tokyo liên tục trì hoãn vì lý do có những xáo trộn trên chính trước nước này đã khiến Nga mất dần sự kiên nhẫn.
"Nga có thể đã mất kiên nhẫn với Nhật Bản khi thấy lập trường của Tokyo trong cuộc tranh chấp lãnh thổ vẫn không thay đổi sau khi chính quyền ở nước này đã chuyển từ tay Đảng Dân chủ Tự do sang Đảng Dân chủ," tờ Asahi nhận định. Trong khi đó, giữa hai nước lại có rất ít các cuộc tiếp xúc, đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan mới chỉ có một cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Medvedev.
Ông Medvedev gần đây đã nói với cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, người vừa có chuyến thăm đến nước Nga với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng Naoto Kan hồi đầu tháng 9, rằng, ông mong sẽ được thảo luận về cuộc tranh chấp lãnh thổ theo một cách thức bình tĩnh với mục đích tìm là hướng giải quyết cho vấn đề.
Theo một số nhà phân tích, quan hệ Nga-Nhật có thể sẽ tiếp tục căng thẳng và lý do không phải vì sự tranh chấp lãnh thổ hay lập trường cứng rắn của bên nào mà là do hai nước thiếu các cuộc đối thoại.
Tổng thống Nga Medvedev được sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Kan tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Nhật Bản vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng quan hệ căng thẳng giữa Nga - Nhật sẽ không thể được tháo gỡ nếu Tổng thống Medvedev tiếp tục thực hiện kế hoạch thăm quần đảo Kuril như đã định.
Theo VnMedia

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.