Multimedia Đọc Báo in

Lương tối thiểu và câu chuyện trách nhiệm

07:40, 13/09/2015
Thời gian qua dư luận tiếp tục “dậy sóng” với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu. Điệp khúc “lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu” lại vang lên trước sự hoài nghi của người làm công ăn lương.

Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã đi đến quyết định về việc lương tối thiểu 2016 sẽ được tăng lên 12,4% so với mức lương tối thiểu năm 2015. Có một thực tế là cứ mỗi kỳ tăng lương, người hưởng lương không mấy mặn mà bởi tốc độ tăng lương không theo kịp với tốc độ tăng giá. Nhiều năm qua, vin vào cái cớ lương tối thiểu tăng, hàng hóa, dịch vụ thường tăng mạnh hơn rất nhiều. Không nói đến chuyện giá cả leo thang theo lương khi mà việc tăng hay không ấy tùy thuộc vào cái tâm của người buôn bán, ở đây chỉ bàn về góc độ nhà quản lý, cũng như của những người trả lương. Ở góc độ nhà quản lý, việc kiểm soát giá sau mỗi kỳ tăng lương là hết sức cần thiết, nhưng việc này gần như… ngoài tầm với của họ! Trong khi đó, sở dĩ lương tối thiểu chỉ tăng đến chừng mức như đã nói ở trên là do “đối trọng” là các doanh nghiệp (DN) – là chủ thể quan trọng tham gia đóng góp ý kiến trong việc tăng lương... Trong cuộc thảo luận chừng mức tăng lương cơ bản vừa rồi, đại diện các DN một mực than rằng không kham nổi chi phí do tăng lương. Tuy nhiên, cũng cần có một cái nhìn khác để thấy được mặt tích cực của việc tăng lương tối thiểu tác động lên nền kinh tế vĩ mô. Có một câu chuyện rằng, từ năm 1914, Công ty Ford (Mỹ) bắt đầu trả lương cho công nhân 5 USD/ngày khi mà mức lương phổ biến vào thời điểm đó chỉ khoảng 2-3 USD/ngày. Ông chủ công ty này là Henry Ford tin rằng lương cao làm tăng sự ổn định của lực lượng lao động và giúp đỡ con người tập trung làm việc vì gia đình họ được hỗ trợ đầy đủ về vật chất. Theo Henry Ford,  giúp những người làm việc ở công ty mình bảo đảm cuộc sống của họ là trách nhiệm của chủ DN. Nếu chi lương cao không bảo đảm được quỹ kinh doanh là khuyết điểm của bản thân việc kinh doanh! Không bảo đảm được đời sống của người làm công cho mình là không đủ tư cách kinh doanh! Ở Việt Nam ít có lãnh đạo, chủ DN nào nghĩ được vậy. DN muốn lợi nhuận cao thì phải giảm chi phí tối đa, trong đó cắt giảm lương càng nhiều càng tốt miễn sao lợi nhuận mang lại cho DN nhiều nhất.

Có thể nói việc tăng lương bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng việc số lương ấy có đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động hay không. Muốn vậy không có cách nào khác là cả nhà quản lý và DN… cần phải thay đổi nhận thức của mình.

Giang Nam  


Ý kiến bạn đọc