Multimedia Đọc Báo in

Thói cậy tiền

16:45, 07/06/2013

Vào tiệm ăn hay quán nhậu, dù được mời hay là chủ chi, anh luôn thể hiện phong cách “thượng đế”. Từ chọn đồ ăn, thức uống hay đơn giản là chỗ ngồi, anh đều lên tiếng trước. Thậm chí anh còn “chỉ đạo” nhà hàng chế biến món ăn sao cho hợp khẩu vị. Anh xuất hiện ở đâu là ở đó bận rộn hơn bởi phải đáp ứng các yêu cầu do “thượng đế” này liên tục đưa ra. Việc nhỏ như với tay lấy hộp tăm ở bàn bên, hay xấp giấy lau để gần đó, anh cũng kêu nhân viên phục vụ. Bia mở sẵn ngay trước mặt, thùng đá để dưới bàn, anh cũng chẳng thèm động tay mà phải gọi các em tới rót bia, bỏ đá. Dường như anh lấy việc sai khiến người khác làm thú vui và luôn đòi hỏi được phục vụ tương xứng với đồng tiền bỏ ra.  

Cùng với sai bảo là chê trách bởi chẳng có nhà hàng nào làm anh vừa ý. Anh chê từ thức ăn đến cách phục vụ bằng giọng cao ngạo của kẻ sành ăn uống. Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã giục nhà hàng bê thức ăn lên; giục vài lần không được là cằn nhằn: “Rù rờ như rùa lật ngửa!”; nếu vẫn chưa được đáp ứng là dọa: “Nếu không có thì đi chỗ khác nè!”. Nhân viên nhà hàng phải rối rít xin lỗi, mong thông cảm. Giọng họ dịu ngọt nhưng mặt có vẻ bực; bực thì cũng phải “dĩ hòa vi quý” bởi dại gì gây sự với “thượng đế”. Phần anh, vừa ăn nhậu vừa bình các món, chủ yếu là chê, chí ít thì cũng phải nên thế này, thế kia thì mới ngon trọn vẹn - theo ý anh. Anh kêu cả nhân viên phục vụ đến “chỉ giáo” những tiểu tiết: “Ớt làm nước mắm không được lấy kéo cắt mà phải giằm ra mới đúng bài”; “Thịt phải thái đủ đũa, thái mỏng như lá lúa thế này ăn mất ngon”… Bạn bè đi cùng thường khuyên anh không nên đưa ra những yêu cầu thái quá, không nên sa vào ba chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng anh chẳng nghe. Hình như với anh, sai bảo chê trách người khác là đặc quyền của kẻ có tiền.

Thói cậy tiền của anh phải trả giá trong một lần vào quán nhậu. Lần đó anh chủ chi, tất nhiên phong cách “thượng đế” càng được thể hiện. Trước sự sai khiến trịch thượng của anh, chủ quán bực ra mặt nhưng vẫn cố nín nhịn. Khi thanh toán tiền, “thượng đế” mới tròn mắt, bật ngửa vì bị “chém” giá trên trời. Anh bối rối chất vấn: “Sao bữa trước rẻ, bữa nay đắt thế?”. Đáp lại là giọng lạnh lùng nhưng vẫn cố tỏ ra lịch sự: “Giá cả thay đổi từng ngày, anh ạ”. Biết chủ quán đã dùng tới hạ sách đoạn tuyệt khách hàng nhưng anh cũng đành nhăn nhó mở ví, lấy tiền.

Trên đường về, một khách mời lên tiếng như để an ủi chủ chi: “Bữa ăn ngon thật!”. Đáp lại là giọng chọc ngoáy của ai đó chen ngang: “Ngon gì, đắng thì có!”. Anh cười cười, có vẻ ngượng.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc