Multimedia Đọc Báo in

Lá đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu

15:15, 11/11/2017

Năm lũ trẻ làng học đến lớp 9, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, chiến trường cần bổ sung thêm quân để bước vào các trận đánh quyết định, nhiều đứa trong làng đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Đã có nhiều câu chuyện cười đến vỡ bụng vì thằng nào cũng tìm mọi cách để được đi bộ đội. Có thằng thấp bé nhẹ cân, biết chẳng đủ tiêu chuẩn cả về chiều cao lẫn cân nặng nên trước khi khám tuyển nghĩa vụ đã thực hiện chiến thuật: cố gắng “ních vào bụng càng nhiều càng tốt”, ăn cho thật no, uống nước thật nhiều, mượn quần của đứa khác mặc vào cho dài để khi khám thì kiễng chân trên bàn cân, đo. Kết quả có đứa vẫn bị loại và cái bụng hành cho mấy ngày vì… bội thực. Có đứa lại bỏ đá vào túi quần cho nặng nhưng rồi tiếng lịch kịch của những viên đá va vào nhau đã tố cáo “âm mưu đen tối” của khổ chủ. Buồn cười nhất là đến cái màn… lột trần truồng để khám “hạ bộ” khiến đứa nào cũng xấu hổ, mặt đỏ bừng đỏ tía (dù ở nhà khi tắm sông Vạc chúng nó vẫn thỗn thện cả một bầy với nhau, nhào lộn sấp ngửa đủ kiểu). Đợt duyệt khám theo đơn tình nguyện ấy có Trung, Liêm, Ky trúng tuyển. Cả lớp nhìn ba đứa như những anh hùng, bọn con gái thì chuyển sang gọi bằng “anh” ngọt xớt. Đợt khám lần sau có thêm Thông, Ngọ cũng trúng tuyển lên đường. Thông được gọi đi học phi công, học được ba tháng thì Thông ta… bị loại vì không đủ tiêu chuẩn; nhưng nó vẫn được bồi dưỡng để làm trong ngành không quân. Cái Ngọ xinh gái, có má lúm đồng tiền lại hát cực hay bài “Cô gái mở đường”. Bọn bạn cùng lớp cứ đoán già đoán non nhất định Ngọ sẽ được tuyển vào đoàn văn công quân đội…

Trong làng có cậu học trò Đinh Quốc Trị (mà thằng Trường phải gọi bằng chú theo tông ti bên nội) viết hẳn một lá đơn tình nguyện xin nhập ngũ bằng máu. Trị là một thanh niên hiếu động, chẳng biết sợ là gì. Ngày ấy nhà Trị nhận nuôi một con trâu mộng của hợp tác xã, con trâu hung dữ đến mức ít ai dám đến gần. Con trâu hung hăng như một con hổ dữ: khi nó gặm cỏ thì chỉ mình nó một cõi, một vùng; con khác mà lảng vảng tới thì nó đuổi theo húc cho đến độ thừa sống thiếu chết. Ấy vậy mà Trị không sợ. Trị quy phục con trâu bằng cách thủ sẵn một roi tre già, hễ cứ con trâu lao tới là… quất, cứ nhằm mặt nó mà quất đến nổi lằn, vừa quất vừa khéo léo lùi, né những cú húc của con trâu. Một lần, hai lần, rồi đến lần thứ ba thì con trâu dữ phải chịu khuất phục. Thậm chí mỗi lần muốn trèo lên lưng trâu để cưỡi, Trị còn bắt nó phải khuỵu chân xuống rồi nắm hai cái sừng kềnh càng, nhọn hoắt của trâu mà trèo lên. Bọn trẻ làng nhìn thấy chỉ biết lè lưỡi thán phục.

Năm ấy Trị mười sáu tuổi nhưng lực lưỡng, to khỏe như anh thanh niên mười tám. Hằng ngày cắp sách đến trường, nghe chiếc loa truyền thanh đầu làng “điểm tin chiến sự” có những trận đánh ta tiêu diệt hàng đại đội địch; rồi tin địch càn quét những xóm làng miền Nam, bắn giết những người dân vô tội… đã tác động mạnh đến trái tim người thanh niên trẻ. Một tối Trị giấu cha mẹ, chích ngón tay lấy máu viết “Đơn tình nguyện nhập ngũ”. Trị được gọi khám tuyển và trúng tuyển. Ngày lên đường, Trị cười tươi tạm biệt cha mẹ, làng xóm, hẹn ngày chiến thắng trở về. Nhưng rồi Trị đã hy sinh tại chiến trường thành cổ Quảng Trị tám mươi mốt ngày đêm khốc liệt. Cho đến tận bây giờ, gia đình vẫn chưa biết mộ của Trị được chôn cất ở nơi nào. Có lẽ máu xương anh đã hòa lẫn với đất đai, cây cỏ của thành cổ để làm nên bản hùng ca bi tráng một thời…

Ky, Trung, Liêm cũng không trở về. Mỗi đứa một số phận nhưng hoàn cảnh thì đều thật éo le: Trung, Ky đều là con một; Liêm là con trai duy nhất trong nhà. Trên bàn thờ những chàng trai ấy treo tấm bằng “Tổ quốc ghi công” với bức ảnh trẻ măng cứ sáng mãi một nụ cười tuổi mười bảy đẹp và vô tư đến nhói lòng… Hồi ấy, Trung đẹp trai lại hát hay. Cứ mỗi lần lớp yêu cầu, cậu ta lại đứng lên hát “Bài ca giải phóng quân” với những ca từ thật tha thiết: “Từ ruộng đồng, từ bưng biền, từ rừng sâu, từ núi cao nhân dân đứng lên cùng ta đứng lên. Đoàn ta là giải phóng quân, là con em của nhân dân, ngút trời chồng chất biết bao căm hờn. Đồng bào ơi, bao năm lũ giặc dày xéo, quê nhà Tổ quốc ơi vì nước gian lao nào xá. Cùng tiến có nghe trời đang sấm vang rền muôn nơi. Cùng tiến, chúng ta cùng đi giải phóng miền Nam”. Trung đứng hát nhưng hồn như gửi đâu xa tít, thỉnh thoảng lại đưa tay hất nhẹ mái tóc mềm buông xõa trước trán nhìn thật điệu, thật người lớn. Vậy mà…

Vài năm sau khi Trung, Liêm, Ky nhập ngũ, lớp của thằng Trường lại thêm những lứa trai tráng lên đường; chiếc bàn học lại thêm trống những chỗ ngồi. Có một điều lạ là cứ đứa nào ngồi lấp vào chỗ trống ấy thì y như rằng năm ấy hoặc năm sau lại tiếp tục lên đường. Thằng Báu, thằng Tình, thằng Thắng; rồi tiếp đến thằng Quyết, thằng Thông… cứ nối tiếp nhau ra trận. Chiến tranh đã không cho phép các cô cậu học trò ngồi tiếp với chiếc bàn học thân yêu nơi mái trường sơ tán; hệt như câu thơ đã được chúng nó… cải biên: “Mày đi trước, tao đi sau; sẽ thành đồng chí chung câu quân hành”…

Vậy đấy, một thời máu lửa đã qua; một thời ký ức khó nguôi quên của lớp trẻ làng Yên Phó ngày nào!

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.